Tuần trước, Adobe đã tiết lộ thương vụ mua lại lớn nhất từ trước đến nay – thâu tóm công ty khởi nghiệp phần mềm thiết kế Figma với mức giá thỏa thuận 20 tỷ USD. Con số này gấp đôi giá trị mà Figma được định giá sau vòng huy động vốn vào tháng 6/2021 và đã khiến không ít nhà đầu tư kinh ngạc, cũng như đặt ra nhiều câu hỏi về hoạt động kinh doanh của hãng này.
Đằng sau thương vụ Adobe thâu tóm Figma
Với sự phát triển của các mạng xã hội, các xu hướng sáng tạo nội dung, nhu cầu sử dụng các công cụ chỉnh sửa, thiết kế ảnh và video đang nóng hơn bao giờ hết. Kể từ khi đại dịch bùng phát, lượng người dùng Figma hay Canva (công ty có trụ sở tại Australia) càng tăng vọt.
Thực tế, từ trước đến nay Figma là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với các phần mềm thiết kế của Adobe. Phần mềm dựa trên đám mây của startup này giúp các nhóm thiết kế cộng tác trong thời gian thực và đang ngày càng phát triển và có khả năng chiếm lĩnh thị phần của Adobe trong tương lai.
Trong vòng huy động vốn vào tháng 4/2020, Figma được định giá khoảng 2 tỷ USD. Khoảng hơn một năm sau đó, vào vòng gọi vốn vào tháng 6/2021, con số này đã tăng gấp 5 lần lên gần 10 tỷ USD.
Trong khi đó, giá trị vốn hóa thị trường của Adobe đã giảm khoảng 43% trong năm qua, trong bối cảnh nhà đầu tư lo ngại về khả năng thống trị của gói phần mềm thiết kế nổi tiếng, vốn chiếm khoảng 60% doanh thu của hãng. Các sản phẩm tạo nên tên tuổi của Adobe như Photoshop và Illustrator gần đây nhận không ít phàn nàn của người dùng như khó sử dụng và thiếu các tính năng cộng tác.
Daniel Vinci, người điều hành một công ty độc lập chuyên thiết kế trang web cho biết: “Dùng Figma nhanh gọn và không nặng máy. Ai cũng có thể bắt tay ngay vào thao tác trên Figma. Nhưng dùng sản phẩm của Adobe thì không đơn giản như vậy”.
Sức hấp dẫn của Figma trên thị trường cũng giúp giải thích lý do vì sao Adobe sẵn sàng trả gấp 50 lần doanh thu định kỳ hàng năm và gấp đôi mức định giá công ty nhận được trong vòng tài trợ năm ngoái. Theo CEO Adobe Shantanu Narayen, “Sự kết hợp giữa Adobe và Figma mang tính chất chuyển đổi và sẽ thúc đẩy tầm nhìn của chúng tôi về sự sáng tạo hợp tác”.
Thế nhưng, theo giới chuyên gia, nếu nhìn rộng hơn, có thể thấy động thái mua Figma chính là một nước đi cao tay của “ông lớn” trong làng thiết kế. Việc Adobe ra tay mua đứt đối thủ với một mức giá “không thể không gật đầu” sẽ giúp hãng này tránh được rủi ro Figma trở thành quá mạnh, ăn đứt thị phần sau này của mình.
Nỗi lo của các nhà đầu tư
Adobe hiện đang hy vọng thỏa thuận này sẽ giúp tăng doanh thu sau 3 năm kể từ khi thương vụ hoàn tất (dự kiến vào năm 2023). Ngoài ra, công ty cho biết thêm tổng giá trị ước tính của toàn bộ các dịch vụ có tích hợp Figma có thể đạt 16,5 tỷ USD vào năm 2025.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư lại cho rằng thương vụ này thiếu thuyết phục. Điều đó khiến cổ phiếu của Adobe lao dốc, đồng thời kéo giá trị thị trường của công ty sụt giảm đáng kể. Sau thông báo thâu tóm Figma tuần trước, cổ phiếu của Adobe đã giảm gần 17% vào thứ năm và thêm 3,12% nữa vào thứ sáu.
Nhiều nhà đầu tư cho biết họ hiểu cơ sở cho thương vụ này, nhưng cho rằng Adobe đã trả quá nhiều tiền cho một công ty được định giá khoảng 10 tỷ USD trong vòng gọi vốn tư nhân cách đây hơn một năm.
“Việc mua lại một công ty nhỏ với mức giá đáng kinh ngạc làm dấy lên lo ngại của các nhà đầu tư về bản chất hoạt động kinh doanh của Adobe”, Brian Schwartz, nhà phân tích cấp cao của công ty đầu tư Oppenheimer & Co nhận định.
Giám đốc điều hành của Adobe, Shantanu Narayen, đã bảo vệ thương vụ mua lại và nhấn mạnh, bối cảnh kinh tế yếu kém hiện nay là thời điểm thích hợp để công ty hành động.
“Các công ty mạnh hơn thực sự là những công ty nên chuyển sang vị thế mới để phục vụ khách hàng trong nhiều thập kỷ", ông Narayen nói trong một cuộc phỏng vấn. “Chúng tôi thực sự tin rằng cơ hội dành cho chúng tôi là mở ra thế giới sáng tạo hợp tác mới này.”
CFO Adobe Daniel Durn cho biết việc mua Figma sẽ khơi mào cho một kỷ nguyên tăng trưởng mới. “Đây là việc định vị công ty để xác định các danh mục mới và thúc đẩy tăng trưởng trong nhiều thập kỷ tới".
Adobe cho biết thương vụ này cũng sẽ giúp họ khai thác cơ sở người dùng mới như những nhà thiết kế quen sử dụng Figma, nhà phát triển, và thậm chí, cả những người dùng không chuyên về thiết kế muốn chỉnh sửa hình ảnh và sáng tạo nội dung.
Để chứng minh những nhà đầu tư hoài nghi đã sai, ông Narayen cho biết, công ty cũng sẽ tập trung vào việc đẩy mạnh các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của mình.
Scott Belsky, Giám đốc sản phẩm của Adobe, cho biết, giờ đây, Adobe có kế hoạch tích hợp và tạo mới nhiều công cụ thiết kế có sẵn của mình và Figma, chẳng hạn như các tính năng chỉnh sửa hình ảnh từ Photoshop, đơn giản hóa các thao tác để tiếp cận nhiều người dùng không chuyên hơn, cũng như cải tiến mức độ công tác của phần mềm.
Từ đó, các nhà đầu tư hoàn toàn có thể kỳ vọng doanh thu của tập đoàn sẽ tiếp tục tăng trưởng trong bối cảnh nền kinh tế kỹ thuật số ngày càng phát triển.