Sau khi ra mắt ở Hà Nội năm ngoái, mô hình siêu thị tinh gọn của Aeon Việt Nam xuất hiện tại Thành phố mới Bình Dương (tỉnh Bình Dương) cuối tháng trước. Siêu thị rộng 5.000 m2, gồm khu mua sắm tự chọn và khu ẩm thực 710 m2 phục vụ các món ăn từ Việt Nam đến Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan.
Ông Furusawa Yasuyuki, Tổng giám đốc Aeon Việt Nam cho biết chọn Thành phố mới Bình Dương là nơi đầu tiên đưa mô hình siêu thị tinh gọn vào Nam vì nhận thấy khu vực này có tiềm năng kinh tế và dân cư sẽ phát triển đông đúc thời gian tới.
Thực tế, ngoài Aeon, Bình Dương đến nay đã là "sân chơi" của đầy đủ các hệ thống bán lẻ hiện đại như Central Retail, Mega Market, Lotte và Co.op. Đáng chú ý, gần đây nhiều thương hiệu bán lẻ và dịch vụ - vốn không bình dân so với sức mua của phần đông người Việt - cũng tất bật tìm đến đây.
Chẳng hạn sau khi đã hiện diện ở TP HCM, Hà Nội, Hải Phỏng, Uniqlo chọn Bình Dương để mở rộng. Mới vận hành cửa hàng đầu tiên ở tỉnh này vào tháng 6, nhà bán lẻ thời trang Nhật Bản tuyên bố sẽ mở tiếp cửa hàng thứ hai ngay mùa Thu Đông năm nay, là cửa hàng thứ 20 toàn hệ thống.
Chuyên bán những món đồ uống đắt đỏ (xấp xỉ trăm nghìn đồng mỗi món), chuỗi cà phê Starbucks cũng đã mở của hàng thứ 3 tại Bình Dương cuối tháng trước. Cùng thời gian đó, Glam Beautique, một chuỗi chuyên kinh doanh hàng chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp, chọn thủ phủ công nghiệp này để mở cửa hàng thứ 8 toàn quốc.
Vậy điều gì đã thu hút sự quan tâm của các nhà bán lẻ - kể cả các thương hiệu không phải bình dân - vào Bình Dương năm nay?
Theo các chuyên gia, đầu tiên là quy mô thị trường. Không phải ngẫu nhiên mà một số thương hiệu trung cấp có thể bỏ qua một số thành phố trực thuộc trung ương và tìm đến Bình Dương trước. Trong 7 tháng đầu năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của tỉnh này đạt hơn 174.820 tỷ đồng, tăng 12,4% so với cùng kỳ 2022.
Để dễ hình dung, nếu so với 5 thành phố trực thuộc trung ương, giá trị tuyệt đối đạt được của Bình Dương chỉ thấp hơn TP HCM và Hà Nội, lần lượt có quy mô hơn 660.000 tỷ và 433.000 tỷ đồng. Còn so về mức độ tăng trưởng chỉ kém Đà Nẵng (mức tăng 7 tháng là 22%) và Hải Phòng (13,56%).
Nhưng đáng lưu ý hơn là nhân khẩu học. Bà Đỗ Thị Xuân Trang, Trưởng phòng Dịch vụ Bán lẻ hãng dịch vụ bất động sản Colliers Việt Nam chỉ ra một trong những lợi thế cho bán lẻ Bình Dương là tuy đứng thứ 6 về dân số cả nước, thu nhập bình quân đầu người tại đây lại cao nhất (8,076 triệu đồng/người/tháng).
"Nguồn nhân lực trẻ, dồi dào với trình độ và tay nghề cao làm tăng nhu cầu về nhà ở và những nhu cầu khác như mua sắm, giải trí, y tế và giáo dục", bà Trang nói. Cũng theo chuyên gia này, Bình Dương là "thỏi nam châm" thu hút các nhà đầu tư và thương hiệu bán lẻ còn do năng lực phát triển kinh tế - xã hội và cơ sở hạ tầng.
Là "thủ phủ công nghiệp" miền Nam, Bình Dương là một trong những địa phương tăng trưởng GRDP và thu hút FDI hàng đầu. Tỉnh này sở hữu 30 khu và 12 cụm công nghiệp rộng 13.460 ha. Hơn 3.400 doanh nghiệp nước ngoài đã và đang rót vốn vào 4.121 dự án với tổng số vốn đăng ký 40 tỷ USD.
Uniqlo Việt Nam cho rằng vị thế trung tâm công nghiệp mới với cơ sở hạ tầng vượt trội cũng là một lợi thế cho Bình Dương. Với nhà bán lẻ này, việc xuất hiện tại đây cũng khẳng định sự gắn kết với nhà cung cấp. "Bình Dương là nơi ngày càng có nhiều nhà máy may mặc sản xuất hàng nghìn sản phẩm LifeWear (tên của dòng trang phục thường ngày). Chúng tôi cũng như Fast Retailing Group có lịch sử hợp tác lâu dài tại đây", đại diện Uniqlo Việt Nam nói.
Song song đó, thương mại tại đây cũng phát triển. Bình Dương hiện có khoảng 20 trung tâm thương mại và siêu thị lớn nhỏ, chưa kể hệ thống các cửa hàng tiện ích phát triển len lỏi trong dân cư. Theo Colliers, tốc độ phát triển của thị trường bất động sản bán lẻ Bình Dương tăng trưởng nhanh chỉ sau TP HCM. Điều này đạt được nhờ tỉnh có quỹ đất thương mại – dịch vụ đa dạng, quy hoạch bài bản, đáp ứng đủ cho việc kêu gọi đầu tư và hợp tác.
Trong quá trình phát triển dự án, các nhà đầu tư tại đây có những cam kết đồng hành chiến lược với nhà bán lẻ trong - ngoài nước, và tung các chính sách ưu đãi để thu hút các thương hiệu. Bằng cách này, các nhà phát triển bất động sản bán lẻ vừa gợi sự tò mò, vừa tạo sự thân thuộc với người mua sắm - một chiến lược làm tăng lượt khách và doanh thu hiệu quả, theo bà Xuân Trang.
Nhìn rộng hơn, nếu xét về quỹ đất thương mại - dịch vụ vùng Đông Nam Bộ, Bình Dương là ứng viên sáng giá nhất với các nhà đầu tư trong lĩnh vực bán lẻ, theo Colliers. Khi vùng lõi TP HCM không đủ để đáp ứng nhu cầu, mục tiêu tìm kiếm quỹ đất sẽ mở rộng về phía Đông.
Khi ấy, Bình Dương vừa đủ gần để có thể di chuyển linh hoạt, vừa đủ xa để tránh áp lực cạnh tranh với các trung tâm thương mại ở TP HCM, theo bà Trang. Do đó, sân chơi bán lẻ ở thị trường Bình Dương dự báo tiếp tục sôi động thời gian tới. Về phần mình, ông Furusawa Yasuyuki nói quyết định chọn Bình Dương là "cho tầm nhìn 5-10 năm sau nữa chứ không chỉ hiện tại".