Theo thống kê, 9/13 đơn vị trên sàn chứng khoán có doanh thu tăng trưởng, 7/13 đơn vị báo lợi nhuận “đi lên”. Trong đó, biên lợi nhuận của các nhà sản xuất thuốc lớn như Dược Hậu Giang, Traphaco, Imexpharm, Bidiphar vẫn duy trì ở mức cao.
CTCP Dược Hậu Giang (Mã: DHG) hiện nằm trong nhóm 3 công ty dược lớn nhất Việt Nam tính theo thị phần, đứng đầu là Sanofi, tiếp theo là GSK, dữ liệu từ IQVIA và SSI Research.
Quý II, Dược Hậu Giang ghi nhận lợi nhuận cao nhất trên sàn chứng khoán. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế công ty đạt 263 tỷ đồng tăng 12% so với cùng kỳ.
Để có kết quả kinh doanh tích cực, Dược Hậu Giang đã tập trung vào bán sản phẩm chiến lược và chủ lực. Hỗ trợ phía sau là hệ thống phân phối được tổ chức chặt chẽ, kết nối tốt với khách hàng và nguồn thu từ hoạt động tài chính (công ty nhận về hơn 101 tỷ đồng tiền lãi trong nửa đầu năm).
Tính đến cuối năm 2022, kênh nhà thuốc vẫn là nguồn thu chính của Dược Hậu Giang trong khi kênh bệnh viện chiếm khoảng 15%. Năm nay, công ty đặt mục tiêu đạt 20% doanh thu đến từ kênh bệnh viện và xuất khẩu được xác định là động lực tăng trưởng mới.
Quý vừa qua, CTCP Dược phẩm Imexpharm (Mã: IMP) cũng đạt mức lợi nhuận cao kỷ lục (80 tỷ đồng) kể từ khi lên sàn nhờ hướng đi đúng đắn là tiếp tục mở rộng thị trường, cơ cấu lại danh mục bán ra và tập trung vào các sản phẩm chủ lực có giá trị của công ty.
Có thể thấy, sau một năm “về tay” cổ đông ngoại đến từ Hàn Quốc (SK Investment Vina III - thành viên của SK Group), lợi nhuận Imexpharm liên tục được cải thiện. Trong giai đoạn 2023-2027, công ty đặt kế hoạch tăng trưởng kép (CAGR) đối với doanh thu và lợi nhuận trước thuế.
Trong báo cáo phân tích về Imexpharm hồi tháng 7, SSI Research cho rằng, trong nửa cuối năm 2023, công ty dược này có thể không đạt được kết quả cao như nửa đầu năm do mức nền kết quả cao trong năm trước. Song, hoạt động đấu thầu thuốc của bệnh viện đang quay trở về mức bình thường và những nỗ lực tái cơ cấu được triển khai gần đây nên câu chuyện tăng trưởng trung hạn của công ty vẫn có khả năng thành hiện thực.
Không chỉ Imexpharm và Dược Hậu Giang, một đơn vị khác trong ngành dược là Tổng công ty Dược Việt Nam - CTCP (Vinapharm – Mã: DVN) cũng báo lãi khủng trong quý vừa qua. Cụ thể, công ty ghi nhận 169 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong khi cùng kỳ lỗ 4 tỷ đồng, chủ yếu là nhờ phần cổ tức được chia tăng (119 tỷ đồng).
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, lãnh đạo Vinapharm cũng dự báo doanh thu ngành dược Việt Nam sẽ tăng trưởng 8%, đạt 169.000 tỷ đồng (tương đương 7,2 tỷ USD) trong năm nay. Bên cạnh đó, ngành có thể đón thêm nhiều thông tin tích cực từ phía các cơ quan quản lý khi Chính phủ và Bộ Y tế đang nỗ lực thực hiện các biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn trong công tác đấu thầu cho các đơn vị y tế công lập và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dược.
Vì thế trong năm nay, công ty đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 335 tỷ đồng, nếu đạt được, đây sẽ là mốc lợi nhuận cao nhất kể từ năm 2017. Trước tình hình kinh doanh khả quan, Vinapharm đã hoàn thành 88% kế hoạch trong hai quý.
Một vài “màu xám” trong bức tranh ngành dược
Trái ngược với bức tranh tươi sáng chung của ngành dược, một số doanh nghiệp lại rơi vào tình cảnh thua lỗ như CTCP Hóa - Dược phẩm Mekophar (Mã: MKP), CTCP Dược phẩm Trung ương 2 (Mã: DP2), CTCP Dược Lâm Đồng - Ladophar (Mã: LDP). Điểm chung của các đơn vị này là đều có doanh thu tăng trưởng nhưng áp lực chi phí đè nặng khiến lợi nhuận sụt giảm.
Trong đó, Ladophar đã ghi nhận 5 quý lỗ liên tiếp, kể từ quý II/2022. Cuối năm 2021, Ladophar chính thức về tay nhóm Louis Holdings. Đến tháng 4/2022, sau vụ việc ông Đỗ Thành Nhân bị bắt thì tình hình kinh doanh của Ladophar bắt đầu lao dốc. Năm ngoái, công ty lỗ luỹ kế gần 39 tỷ đồng.
Còn với CTCP Traphaco (Mã: TRA), công ty đang trải qua giai đoạn khó khăn khi có ba quý tăng trưởng âm liên tiếp. Cụ thể, Traphaco ghi nhận doanh thu thuần 517 tỷ đồng giảm 12%, lợi nhuận sau thuế 79 tỷ đồng giảm 8% so với cùng kỳ.
Năm nay, Traphaco đặt kế hoạch tăng trưởng khá thận trọng (326 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế) vì công ty cho rằng người tiêu dùng sẽ cắt giảm mức chi tiêu trong bối cảnh lãi suất và lạm phát ở mức cao. Công ty cũng xác định, các sản phẩm ngoài đông dược tiếp tục là động lực tăng trưởng chính trong khi hàng chủ lực đông dược sẽ gặp khó khăn do cạnh tranh gay gắt.
Với mục tiêu mở rộng thị phần và gia tăng lợi nhuận trong năm nay, Traphaco đang lên phương án tìm kiếm doanh nghiệp có tiềm năng để M&A. Theo kế hoạch, công ty sẽ tập trung vào những doanh nghiệp trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ, dược phẩm vì đây là 2 lĩnh vực có tiềm năng lớn ở Việt Nam.
Trong báo cáo phân tích về ngành dược cuối tháng 3, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, thị phần kênh OTC (kênh bán lẻ ở tiệm thuốc) sẽ bị thu hẹp khi Bộ Y tế ban hành chính sách mới tạo điều kiện cho kênh ETC (kênh đấu thầu tại cơ sở và bệnh viện) phát triển trong dài hạn.
ự báo của Fitch Solutions, doanh thu kênh ETC sẽ 5,46 tỷ USD (tăng 7%) cho năm 2023 và 6,81 tỷ USD (tăng 7,7%) cho năm 2026, tốc độ tăng trưởng kép 5 năm đạt 8% dựa trên cơ sở về việc mở rộng độ bao phủ của bảo hiểm y tế toàn dân và dự báo tốc độ tăng trưởng nhanh của thuốc biệt dược gốc, thuốc generics đã được cấp giấy phép sản xuất.