Đài quan sát không gian Gaia của Cơ quan Vũ trụ châu Âu - Ảnh: ESA
Theo Đài CNN, ESA đã công bố lô dữ liệu thứ ba từ vệ tinh quan sát Gaia, trong đó hé lộ các chi tiết mới về gần 2 tỉ ngôi sao trong thiên hà của chúng ta (Dải Ngân hà).
"Starquake cho chúng ta biết rất nhiều điều về các ngôi sao, đặc biệt là các hoạt động bên trong của chúng", bà Conny Aerts, giáo sư tại Viện Thiên văn thuộc ĐH KU Leuven (Bỉ), giải thích.
ESA đã mô tả các rung động sao do Gaia phát hiện như là "sóng thần quy mô lớn" làm thay đổi hình dạng các ngôi sao.
Gaia ban đầu không được thiết kế để phát hiện hiện tượng này nhưng có thể nhận biết chuyển động mạnh trên bề mặt của hàng ngàn ngôi sao, trong đó có một số ngôi sao trước đây hiếm khi quan sát được starquake.
Đài quan sát không gian Gaia được phóng lên vũ trụ vào năm 2013, có nhiệm vụ "lập bản đồ đa chiều hoàn chỉnh và chính xác nhất về Dải Ngân hà".
Trước đây, Gaia từng phát hiện các dao động tỏa tròn (các dao động lan tỏa từ một điểm chung) khiến một số ngôi sao bị phồng lên và co lại theo chu kỳ trong khi vẫn giữ hình dạng khối cầu của chúng. Nhưng các dao động mới phát hiện không phải là dao động tỏa tròn.
Gaia nằm cách Trái đất khoảng 1,5 triệu km và ở hướng ngược lại với Mặt trời. Đài quan sát của ESA được trang bị 2 kính thiên văn có thể quét thiên hà của chúng ta từ một vị trí gọi là điểm L2. Đây là vị trí thuận lợi giúp Gaia không bị cản trở tầm nhìn để có thể quét liên tục thiên hà của chúng ta.
"Với cơ sở dữ liệu đáng kinh ngạc này, chúng ta có thể lập một bức tranh toàn cảnh về Dải Ngân hà và đi sâu vào lịch sử hình thành đáng kinh ngạc của nó", ông Nicholas Walton, nhà nghiên cứu tại Viện Thiên văn học thuộc ĐH Cambridge, khẳng định đầy tin tưởng.
Dữ liệu do Gaia thu thập bao gồm thông tin mới về thành phần hóa học, nhiệt độ, khối lượng và tuổi của các ngôi sao, cũng như vận tốc chúng di chuyển về phía hoặc ra khỏi Trái đất.