Dòng tiền vào trái phiếu phần lớn vẫn từ ngân hàng
Theo Tiến Sĩ Đinh Thế Hiển, logic hợp lý để lý giải cho đà tăng giá của bất động sản đó là sự đi lên của nền kinh tế. Điều này có nghĩa là khi các doanh nghiệp, người lao động tạo ra lợi nhuận, phần giá trị gia tăng đó được sử dụng để mua nhà đất làm tích sản. Bên cạnh đó kết hợp với quy luật cung cầu nhiều người mua thì kéo theo đó giá sẽ tăng.
Tuy nhiên, giai đoạn 2020-2021, điều đó lại không xảy ra. Bất động sản vẫn cứ tăng, bất chấp việc Ngân hàng Nhà nước siết tín dụng, doanh nghiệp và người lao động gặp khó khăn. Ban đầu, có luồng ý kiến cho rằng do tín dụng từ các nhà băng mà tiền vào bất động sản dồi dào, nhưng thực tế tăng trưởng tín dụng dành cho bất động sản cũng đã giảm từ 18% xuống còn 11%. Vậy thì câu hỏi đặt ra là tiền từ đâu mà đổ vào bất động sản?
Theo các số liệu từ Bộ Tài chính giai đoạn 2020-2021, lượng phát hành trái phiếu là cao nhất trong các năm, với 60-70% từ các công ty bất động sản.
Bóc tách dòng tiền đổ vào trái phiếu cũng lại cho thấy phần lớn vẫn là từ ngân hàng, một phần nhỏ là từ các nhà đầu tư cá nhân. Mặc dù mang tiếng là tiền của nhà đầu tư cá nhân nhưng các nhà đầu tư thiểu số này đã đi vay ngân hàng ở mức lãi suất khoảng 8% sau đó dùng nó để mua trái phiếu với mức lãi suất 12-14%.
Các nhà băng có thể lùi thêm một bước để tránh rủi ro
Theo ông Ngô Thành Huấn, Giám đốc khối Tài chính Cá nhân FIDT, đối với lĩnh vực ngân hàng, trái phiếu được các nhà băng phát hành hướng tới các định chế lớn với mục đích tăng vốn dài hạn để đáp ứng hệ số an toàn vốn CAR của Ngân hàng Nhà nước. Vấn đề trái phiếu ngân hàng phát hành không quá đáng lo ngại bởi vì tỷ lệ nhà đầu tư cá nhân tham gia loại hình này là rất thấp chỉ dưới 5%.
Tuy nhiên, đối với trái phiếu phát hành từ doanh nghiệp ra công chúng, đặc biệt là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thì rất cần phải có cơ chế kiểm tra việc sử dụng vốn đúng mục đích nghiêm ngặt và sát sao hơn nữa. Nếu việc quản lý, giám sát chưa chặt chẽ sẽ có thể tạo ra một số hệ lụy nhất định cho các bên tham gia, nhất là các nhà đầu tư cá nhân.
Năm 2021 thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã đạt mốc 27,3 tỷ USD, tăng trưởng 22,7%. Trong nhiều năm liền thị trường cũng đã chứng kiến sự tham gia mạnh mẽ của các nhà băng với vị thế là trái chủ hàng đầu của các doanh nghiệp phát hành.
Trước tình hình đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có động thái chấn chỉnh thị trường. Cụ thể với việc ban hành Thông tư 16/2021/TT- NHNN siết chặt quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua trái phiếu doanh nghiệp.
Theo khảo sát tại nhiều ngân hàng lớn, với các quy định cũ trước đây, ngành ngân hàng đã áp dụng các biện pháp chặt chẽ về việc mua trái phiếu cũng không khác khi thẩm định các khoản tài trợ tín dụng trung dài hạn.
Vì thế thời gian tới, với định hướng rõ ràng và mạnh mẽ hơn từ cấp điều hành chính sách qua Thông tư 16, các Ngân hàng có thể "lùi thêm" một bước trong việc cân nhắc tham gia vào các sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp, cũng như khẩu vị rủi ro sẽ có những yêu cầu khắt khe hơn.