Công nghệ

Các hãng công nghệ nỗ lực kéo nhân viên trở lại văn phòng

Google, nơi đi đầu về chính sách làm việc linh hoạt trong ngành công nghệ, tuần này khiến các nhân viên chán nản khi công bố siết chặt quy định người lao động phải có mặt tại văn phòng ít nhất ba ngày mỗi tuần. Họ sẽ bị điểm danh bằng thẻ nhân viên và đánh giá hiệu quả công việc.

"Chỉ sau một đêm, tính chuyên nghiệp của nhân viên bị loại bỏ, nhường chỗ cho những quy tắc truy dấu điểm danh mơ hồ gắn chặt với đánh giá công việc. Điều này sẽ gây hỗn loạn", Chris Schmidt, một kỹ sư phần mềm tại Google, nói với CNN.

Phát ngôn viên Google Ryan Lamont nói chính sách làm việc tại văn phòng tối thiểu ba ngày mỗi tuần "đang diễn ra tốt đẹp". Tập đoàn muốn các nhân viên kết nối trực tiếp với nhau và giới hạn hoạt động làm việc từ xa trong diện "trường hợp ngoại lệ".

Một người đang họp trực tuyến. Ảnh: Microsoft

Một người đang họp trực tuyến. Ảnh: Microsoft

Ban lãnh đạo Google đang đánh giá mức độ thích nghi của nhân viên với mô hình làm việc hỗn hợp. "Mô hình được áp dụng hơn một năm nay và chúng tôi đã chính thức đưa cách tiếp cận đó vào chính sách làm việc", Lamont nói thêm.

Google không phải doanh nghiệp duy nhất vấp phải sự phản đối từ nhân viên. Hàng loạt công ty công nghệ cũng đang kéo nhân viên trở lại văn phòng sau khi họ đã quen với tính linh hoạt của làm việc từ xa. Tình hình càng căng thẳng hơn trong bối cảnh các công ty công nghệ đã sa thải hàng chục nghìn nhân lực trong năm qua, khiến tinh thần người lao động suy giảm nghiêm trọng.

Tại Amazon, hàng trăm nhân viên đã tụ tập nhằm thể hiện sự bất bình với chính sách yêu cầu có mặt ít nhất ba ngày tại nơi làm việc. "Chẳng mấy chốc đã có 33.000 người tham gia. Đây là cách thể hiện rõ ràng nhất về sự bất mãn của người lao động trong lịch sử công ty", nhân viên có tên Pamela nói.

Nhân viên Amazon phản đối chính sách quay trở lại làm việc của công ty, cũng như sự chậm trễ đối với các sáng kiến về biến đổi khí hậu. Ảnh: Geekwire

Nhân viên Amazon phản đối chính sách quay trở lại làm việc của công ty, cũng như sự chậm trễ đối với các sáng kiến về biến đổi khí hậu. Ảnh: Geekwire

Dù vậy, phản ứng của nhân viên không thể ngăn được các công ty đã bỏ ra hàng tỷ USD để xây dựng mạng lưới văn phòng nhiều năm qua, cũng như đề cao giá trị của tương tác trực tiếp tại nơi làm việc.

Amazon nói "sẽ mất thời gian" để một số nhân viên làm quen với việc tới văn phòng nhiều hơn, khẳng định công ty hài lòng khi thấy nhiều người trở lại với "năng lượng và sự hợp tác tràn đầy" trong tháng đầu tiên áp dụng chính sách mới.

Meta cũng đưa ra cảnh báo những người làm việc văn phòng phải có mặt ít nhất ba buổi mỗi tuần kể từ tháng 9. Salesforce cố gắng thuyết phục nhân viên bằng cách tuyên bố đóng góp 10 USD cho tổ chức từ thiện địa phương với mỗi người đến văn phòng mỗi ngày. "Chúng tôi tự hào thông báo chương trình Connect for Good đã giúp gây quỹ một triệu USD cho các tổ chức phi lợi nhuận", phát ngôn viên công ty cho hay.

Thói quen làm việc của người lao động đang thay đổi sau đại dịch. Theo khảo sát toàn cầu được hãng bảo mật Mỹ Fortinet công bố gần đây, chỉ 40% doanh nghiệp cho biết họ yêu cầu toàn bộ nhân viên làm việc tại văn phòng như trước đại dịch. 55% áp dụng phương thức làm việc kết hợp, tức làm từ xa 1-4 ngày. Trong đó, 70% số người được hỏi tại Việt Nam nói vẫn áp dụng mô hình kết hợp.

Tuy nhiên, phương thức làm việc kết hợp khiến số thiết bị kết nối mạng không được quản lý tăng lên, dẫn đến sự gia tăng vấn đề bảo mật. Các sự cố được ghi nhận nhiều nhất là lừa đảo, tấn công từ chối dịch vụ, đánh cắp dữ liệu và nhận dạng, mã độc tống tiền và mất dữ liệu.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm