Tháng 12/2022, người phụ nữ họ Giang quen người đàn ông họ Tôn qua mạng, tự xưng là con cái gia đình giàu có. Giang ban đầu hoài nghi, tìm cách xác minh danh tính và những gì cô thu thập được dường như xác nhận thông tin người kia đưa ra là chính xác. Điều đó giúp cô tin vào Tôn và hai người dần xây dựng mối quan hệ tình cảm, thậm chí lên kế hoạch ra mắt phụ huynh.
"Anh sẽ kiếm thêm nhiều tiền để bảo đảm chúng ta tự do tài chính", Tôn nói.
Tôn khoe về năng lực đầu tư và quan hệ với nhiều nguồn tin nội bộ, đồng thời thuyết phục Giang tải và tạo tài khoản trên ứng dụng được anh này dùng để giao dịch tiền số. Sau hai thương vụ thành công và nhận được gần một triệu USD từ Tôn, Giang an tâm và quyết định đổ vào 2,8 triệu USD bằng tiền cá nhân và vay từ gia đình, bạn bè.
Đến tháng 1, một tháng sau khi hai người quen nhau trên mạng, một người bạn nhận thấy điều bất hợp lý trong câu chuyện. Giang lúc này cũng không thể tiếp cận hay rút số tiền của cô trên ứng dụng giao dịch tiền số và nhận ra là mình đã bị lừa, nên lập tức báo cảnh sát.
Cuộc điều tra dẫn tới một đồng phạm họ Lý - lập trình viên phần mềm làm việc bán thời gian trên mạng và phát triển app tiền số trên. Lý khai chỉ làm theo đơn đặt hàng của Tôn là cải thiện tính năng của ứng dụng. Giới chức Trung Quốc cho biết Lý thu lời 11.000 USD, bị kết án 22 tháng tù, cùng thời gian thử thách 30 tháng và phải nộp phạt 1.300 USD.
Nhiều người dùng mạng xã hội chỉ trích lời bào chữa của Lý. "Lập luận của anh ta là thủ phạm không thuê mình thì cũng sẽ thuê người khác. Nhưng nếu không có sự giúp sức của Lý, vụ lừa đảo này không thể diễn ra êm xuôi như vậy", một người viết.
Không ít người cũng bày tỏ ngỡ ngàng trước sự giàu có và tổn thất của Giang. "Làm sao cô ấy có thể huy động được gần ba triệu USD với trí thông minh có hạn như vậy?", một người khác bình luận.
Giang là nạn nhân điển hình của chiêu lừa phổ biến trong giới tiền số, được các chuyên gia bảo mật gọi là "mổ lợn". Cụm từ xuất phát từ việc kẻ lừa đảo kiên trì "vỗ béo" nạn nhân bằng mối quan hệ lãng mạn giả tạo qua mạng, sau đó dụ họ đầu tư tiền số rồi biến mất.
Các vụ lừa tiền qua mạng đang trở nên phổ biến tại Trung Quốc. Một phụ nữ ở Thượng Hải mất gần 300.000 USD cuối năm 2022 bởi một người đóng giả là MC chương trình nổi tiếng. Cảnh sát Bắc Kinh năm 2021 triệt phá băng nhóm 18 người tại Myanmar, trong đó nhóm lấy được gần 1,5 triệu USD từ hơn 50 nạn nhân trên khắp Trung Quốc.
Hồi tháng 5, Cục Điều tra Liên bang Mỹ FBI cho biết lừa đảo "đồ tể mổ lợn" nở rộ nhưng họ gần như không giúp được nạn nhân trong việc lần ra thủ phạm hay lấy lại tiền. Nguyên nhân là pháp luật ở hầu hết các nước chưa theo kịp sự phát triển của công nghệ tiền số và người dùng thường mất tiền theo dạng chủ động đầu tư. Bên cạnh đó, kẻ lừa đảo thường luân chuyển tiền số qua nhiều kênh và khó lần theo. FBI khuyến cáo người dùng nên tỉnh táo khi người lạ làm quen và dẫn dụ vào các phi vụ "đầu tư" tiền số được hứa hẹn lợi nhuận cao.
(theo SCMP)