Doanh nghiệp

Các doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam mong gì từ Chính phủ?

Các doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam mong gì từ Chính phủ? - Ảnh 1.

Thống kê từ Bảng xếp hạng FAST500 từ năm 2019 đến nay, thực hiện bởi Vietnam Report

Ngày 9-3, Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) đã công bố Bảng xếp hạng FAST500 - Top 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam năm 2022. 

Tác động của dịch bệnh đã làm chững lại tốc độ tăng trưởng doanh thu của các doanh nghiệp FAST500 trong giai đoạn 2017-2020 khi chỉ đạt 22,5%, thấp hơn 5,7% so với trước đó. 

Một điều đáng chú ý trong bảng xếp hạng năm nay là khu vực đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn giữ được sự tăng trưởng ổn định và vươn lên chiếm vị thế dẫn đầu về tỉ lệ tăng trưởng doanh thu trung bình đạt 24,1%, mặc dù số lượng doanh nghiệp chỉ chiếm tỉ trọng 6% trong bảng.

Khu vực tư nhân có tốc độ tăng trưởng doanh thu kép thấp hơn, đạt 23,2% và khu vực Nhà nước đạt 16,6%.

Bước sang năm 2022, với độ bao phủ vắc xin đứng trong top cao nhất thế giới, dưới góc nhìn của các doanh nghiệp FAST500, hầu hết đều cho rằng triển vọng tăng trưởng trong năm 2022 là khá tích cực. 

Cụ thể, có 83,3% doanh nghiệp đánh giá lạc quan về triển vọng tăng trưởng trong năm 2022 tại thị trường trong nước. Do vậy, khi được hỏi về kế hoạch dự kiến trong năm nay, có đến 89,2% doanh nghiệp cho biết sẽ mở rộng kinh doanh và 10,8% doanh nghiệp sẽ giữ nguyên quy mô kinh doanh hiện tại.

Tuy vậy, để duy trì tăng trưởng, các doanh nghiệp FAST500 mong muốn trong năm nay Chính phủ vẫn sẽ tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát (75,7%), đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại (70,3%); tăng cường các gói hỗ trợ (67,6%); tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (51,4%) để tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định và hoạt động tốt hơn. 

Ngoài ra, hai vấn đề tiếp tục được đề cập trong top 6 khuyến nghị của các doanh nghiệp FAST500 và mong đợi sẽ có bước tiến triển tích cực trong năm 2022 là cải thiện môi trường pháp lý (48,6%) và cải thiện cơ sở hạ tầng (45,9%), từ đó xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, giúp khơi thông các nguồn lực để tạo đà phát triển trong tương lai, tiến tới thực hiện mục tiêu tăng trưởng theo định hướng bền vững.

Doanh nghiệp mong muốn có sự phối hợp nhịp nhàng hơn nữa giữa các chính sách, nhất là chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác để đảm bảo được hiệu quả của những chương trình nằm trong gói hỗ trợ mà không tạo ra những tác dụng phụ như lạm phát, bong bóng tài sản… ngoài mong muốn.

Thứ hai, tập trung chú trọng cải tiến hiệu quả, tính kịp thời trong khâu thực thi của các chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tránh xảy ra tình trạng kịch bản hay nhưng thực thi lại không hiệu quả. 

Thứ ba, cần phải lồng ghép và gắn kết chặt chẽ giữa Chương trình phục hồi với Chương trình phòng chống dịch. 

Thứ tư, chú trọng triển khai đồng thời những nhiệm vụ, giải pháp đã được ban hành trong các chương trình, kế hoạch trước đây như chương trình chuyển đổi số, chiến lược tăng trưởng xanh, chương trình nông thôn mới, chống biến đổi khí hậu… bên cạnh những chương trình khác đã và đang được xúc tiến thời gian qua.

Các doanh nghiệp cũng cho rằng đây là thời điểm vàng để Việt Nam đẩy mạnh hơn nữa quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và đặc biệt chú trọng phát triển những mô hình kinh tế, kinh doanh mới như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm