Tổng cộng 20 đại siêu thị, siêu thị, cửa hàng tiện lợi và chuỗi hiệu thuốc, sức khỏe và làm đẹp sẽ không còn cung cấp túi nhựa dùng một lần tại 8.000 cửa hàng của họ kể từ ngày 1/10.
Bộ trưởng Bộ Nhà ở và Chính quyền địa phương Malaysia - ông Nga Kor Ming - cho biết trong số các chuỗi bán lẻ có nhiều tên tuổi lớn tham gia chiến dịch như 99 Speedmart, AEON, 7-Eleven, TF Value Mart và Guardian. Hiệp hội các nhà bán lẻ Malaysia, Hiệp hội chuỗi bán lẻ Malaysia, Hiệp hội quản lý phức hợp Malaysia và Trung tâm mua sắm 1 Utama cũng cam kết đồng hành cùng chiến dịch.
"Một số đã triển khai sáng kiến này, nhưng hôm nay họ ký cam kết thực hiện trên diện rộng bắt đầu từ tuần tới. Nếu khách hàng không mang theo túi của mình, họ có thể mua túi tái chế tại các cửa hàng" - ông Nga Kor Ming phát biểu tại một cuộc họp báo sau khi phát động chiến dịch "Nói không với nhựa dùng một lần" hôm 26/9.
Bộ trưởng Bộ Nhà ở và Chính quyền địa phương Nga Kor Ming (thứ hai, bên phải) đến thăm Cơ sở Đổi mới Tái chế (FIKS) hôm 26/9 (Ảnh: Bernama)
Ông Nga Kor Ming cho biết thêm rằng sáng kiến này dự kiến sẽ giảm tới 200 triệu túi nilon sử dụng một lần mỗi năm tại Malaysia, do đó giảm lượng rác thải phải xử lý và giúp kéo dài tuổi thọ của các bãi chôn lấp hiện có.
Ông cho biết Chính phủ Malaysia đang phải chi trả chi phí cao cho việc quản lý chất thải rắn và vệ sinh công cộng, đồng thời nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào các bãi chôn lấp. Theo đó, mỗi năm Malaysia chi hơn 2 tỷ Ringgit (hơn 480 triệu USD) để xử lý khoảng 14,5 triệu tấn rác và vệ sinh công cộng.
"Hiện tại, Malaysia có 114 bãi chôn lấp không hợp vệ sinh và 22 bãi chôn lấp hợp vệ sinh. Việc mở và nâng cấp các bãi chôn lấp đòi hỏi chi phí rất cao" - ông Nga Kor Ming xác nhận.