Những ngày vừa qua, câu chuyện phải mua nước mới được ngồi ăn bún chả của một nữ TikToker vẫn là chủ đề được rất nhiều người quan tâm. Ai cũng có những quan điểm riêng về văn hóa hàng quán vỉa hè ở Hà Nội. Có người cảm thấy bất bình cũng có người cho rằng "chuyện thường như cân đường hộp sữa".
Chỉ từ một trải nghiệm không tốt đã tạo nên làn sóng tranh cãi gây xôn xao cộng đồng mạng, ảnh hưởng không nhỏ đến suy nghĩ về văn hóa hàng quán ở Hà Nội của nhiều thực khách. Vậy còn trên cương vị là người kinh doanh ăn uống, các chủ quán nghĩ gì về điều này?
Phở Thế Béo - Chủ quán chủ động kết hợp với các hàng quán khác
Tại Thủ đô, chuyện phố nhỏ, ngõ nhỏ xuất hiện những hàng ăn, quán nước kinh doanh ngay sát nhau là điều không hề hiếm. Có thể không kinh doanh chung một mặt hàng nhưng đa số các quán sẽ có sự "cộng sinh", tức cùng hỗ trợ nhau để có lợi ích chung. Dường như đây là đặc trưng rất dễ nhận biết khi tới Hà Nội, giống như người ta hay gọi là "buôn có bạn, bán có phường".
Là chủ của quán phở bay trứ danh tại Hà Nội. Với hương vị thơm ngon cùng cách phục vụ độc lạ nên quán phở của anh lúc nào cũng tấp nập người, thậm chí còn chẳng có đủ chỗ ngồi. Chính vì vậy quán phở đã cùng các quán cà phê, quán nước ngay cạnh kết hợp với nhau cùng làm ăn buôn bán: "Đa số các hàng quán ở Hà Nội đều có không gian rất nhỏ. Điển hình như hàng phở nhà mình chỉ vào khoảng tầm mười mấy mét vuông mà lượng khách hàng đến quán tương đối lớn. Vì muốn cho khách có không gian ăn uống thoải mái hơn nên mình giới thiệu khách ra những hàng nước xung quanh như quán cà phê, quán nước hoặc trà đá ngồi ăn phở".
Với mong muốn mang đến những trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng anh Thế là người chủ động trong việc liên kết các hàng quán lại với nhau để cùng buôn bán: "Mình thuê hẳn không gian của các quán nước ấy. Khách đến quán không còn chỗ sẽ qua các quán nước ngồi ăn phở và tùy nhu cầu khách có thể gọi đồ uống hoặc không. Hoặc đối với mỗi một bát phở mình sẽ cắt ra khoảng 5 nghìn đồng coi như đó là chi phí ngồi tại quán nước của khách mình. Quán mình và các hàng nước khác đều có thu nhập mà khách ăn ở quán cũng thoải mái hơn rất nhiều".
Bún chả Hàng Quạt - vì chỗ chật nên "cộng sinh", mong khách thông cảm và ủng hộ
Có một lượng khách vô cùng đông vào buổi trưa mỗi ngày, quán bún chả nằm sâu trong ngõ nhỏ tại Hàng Quạt cũng phải kết hợp cùng quán nước cạnh nhà để có thêm chỗ ngồi phục vụ thực khách của mình. "Do không gian của quán nhỏ và lượng khách đông nên nhà bên mở ra để kinh doanh nước cũng như cho khách quán bún ngồi".
Thế nhưng, cũng không ít lần thực khách ngồi ăn bún chả tại quán nước có những phen muối mặt do không gọi đồ uống. Nhiều người không biết nên có phàn nàn với quán ăn, cô chủ hàng bún này cũng mong khách thông cảm: "Quán cô có mở lời thuê nhưng chủ nhà không đồng ý. Khách đến ăn nếu hết chỗ mà không muốn gọi nước thì cố chờ các bàn ngoài một chút".
Hàng nước mía đối diện phở Khôi - "cộng sinh" theo kiểu xởi lởi, khách không mua nước cũng có thể ngồi ăn phở
Là một quán nước nhỏ nằm ngay vỉa hè trên phố Hàng Vải, đặc biệt lại đối diện quán phở Khôi nức tiếng Hà Thành. Mỗi ngày người dân kéo đến ăn phở đông nghịt bởi vậy mà hàng nước mía này trở nên vô cùng tấp nập khi tạo chỗ ngồi cho khách của quán phở. Nhắc đến việc thực khách có cần thiết phải mua đồ uống khi ngồi ăn tại quán hay không, bác chủ quán nước liền cười: "Thoải mái, không vấn đề gì. Họ không uống lúc này thì uống lúc khác. Uống hay không là quyền của họ mình không bắt ép người ta uống được".
Có thể nói việc các hàng quán cộng sinh, liên kết với nhau giúp không chỉ mang đến những lợi ích nhất định cho các quán ăn, quán nước mà cũng giúp thực khách có trải nghiệm đa dạng hơn. Tuy nhiên, mỗi địa điểm lại có những đặc trưng riêng, những quy tắc riêng. Có nơi vừa lòng khách đến, cũng có một số nơi chưa khiến thực khách vui lòng khi rời đi. Chung quy lại, để tồn tại thì nên cùng nhau sẻ chia!