Hồ sơ tăng gấp đôi, cán bộ làm thêm giờ
Ghi nhận của phóng viên vào sáng nay, 20/2, tại khu vực cấp đổi GPLX của Sở GTVT Hà Nội tại 16 Cao Bá Quát, Ba Đình và 258 Võ Chí Công, Tây Hồ cho thấy, ngay từ 8h sáng, người dân đã xếp hàng đông đúc để chờ đến lượt làm thủ tục cấp, đổi bằng lái xe.
Tại điểm một cửa, Sở GTVT ở địa chỉ 16 Cao Bá Quát ngoài lực lượng tiếp nhận hồ sơ thì Sở GTVT còn bố trí thêm cán bộ để hướng dẫn, phân luồng người dân lấy số, chờ đến lượt, tránh tình trạng lộn xộn, mất trật tự. Lượng người đến xếp hàng ngày một tăng.
Một cán bộ tại địa điểm 16 Cao Bá Quát thông tin, hôm nay là ngày đầu tuần nên số lượng người dân đến làm thủ tục cấp đổi GPLX đã giảm hơn so với những ngày cuối tuần trước, nhưng vẫn đông hơn so với bình thường.
Tại bộ phận một cửa ở Khu liên cơ 258 Võ Chí Công cũng tương tự. Dù là sáng sớm thứ Hai đầu tuần nhưng lượng người đến làm thủ tục cấp, đổi GPLX khá đông đúc.
Ngay từ đầu giờ sáng, người dân đã xếp hàng chờ làm thủ tục đổi GPLX tại 16 Cao Bá Quát, Ba Đình, Hà Nội
Chị Nguyễn Thúy Hà ở Tôn Đức Thắng, Đống Đa, Hà Nội cho biết, từ 7h50 phút sáng nay chị đã có mặt ở 16 Cao Bá Quát để làm thủ tục đổi GPLX sắp hết hạn. Tuy nhiên, khi đến nơi thì ở đây đã khá đông đúc và chị phải ngồi chờ gần một tiếng mới đến lượt.
“Bằng lái xe của tôi tháng 3/2023 là hết hạn nên tôi phải đổi cho kịp thời gian quy định. Tuần trước, tôi đã ở nhà thao tác đổi trực tuyến trên cổng dịch vụ công nhưng làm nhiều lần đều không được, hồ sơ bị trả lại nên sáng nay tôi phải đến tận nơi để nộp hồ sơ trực tiếp”- chị Hà cho hay.
Không chỉ chị Hà, nhiều người dân đến nộp hồ sơ trực tiếp để đổi GPLX lái xe hết hạn đều cho biết, dịch vụ công trực tuyến về cấp, đổi GPLX thời gian gần đây bị lỗi, người dân rất khó để thao tác hoàn thiện hồ sơ.
Một số người dân cho biết, việc làm thủ tục đổi GPLX trực tuyến trên cổng dịch vụ công còn hạn chế, hay gặp trục trặc
Trao đổi về tình trạng tăng đột biến lượng người dân đến làm thủ tục cấp, đổi GPLX trong những ngày qua, ông Đào Duy Phong, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội thông tin, những ngày qua, trung bình, mỗi ngày bộ phận một cửa của Sở (tại điểm Cao Bá Quát và Võ Chí Công) tiếp nhận khoảng 700 bộ hồ sơ xin cấp, đổi GPLX, trong khi trước đó, chỉ khoảng 350 bộ hồ sơ/ngày.
Cũng bởi vậy, những ngày qua, Sở GTVT Hà Nội đã phải triển khai một số biện pháp để hỗ trợ người dân đến cấp, đổi GPLX.
Cụ thể như, tại 2 điểm đều bố trí thêm cán bộ hỗ trợ người dân đến lấy số thứ tự, phân luồng để đảm bảo trật tự. Thêm vào đó, các bộ tiếp nhận hồ sơ được động viên làm thêm giờ để xử lý hết hồ sơ tồn đọng trong ngày cho nhân dân. Theo đó, kéo dài thời gian làm việc cả buổi sáng và buổi chiều lên 2 tiếng/ngày.
“Trong thời gian tới, căn cứ vào diễn biến tình hình thực tế, nếu lượng người dân đến làm thủ tục cấp, đổi GPLX trực tiếp vẫn tăng thì Sở GTVT sẽ bố trí thêm cán bộ để tiếp nhận hồ sơ”- ông Phong cho hay.
Không có sự "bắt tay" giữa cán bộ nhận hồ sơ và "cò mồi" để đổi GPLX Liên quan đến phản ánh của một số người dân đi làm thủ tục cấp, đổi GPLX bị các đối tượng “cò mồi” gạ gẫm nhận làm thủ tục nhanh với chi phí cao, ông Đào Duy Phong khuyến cáo: “Người dân đã đến làm thủ tục đổi GPLX trực tiếp tại 2 điểm một cửa của Sở GTVT thì trực tiếp vào lấy số thứ tự, làm thủ tục. Không nghe các đối tượng “cò mồi” gạ gẫm, lợi dụng rồi mất tiền oan. Các đối tượng “cò mồi” này không thể thay người dân làm thủ tục cấp, đổi bằng lái xe được. Tôi cũng khẳng định, không có sự móc nối giữa cán bộ tiếp nhận hồ sơ và các đối tượng “cò mồi” này”. |
Dịch vụ công còn bất cập
Lý giải tình trạng đông đột biến lượng người dân đến làm thủ tục cấp, đổi bằng lái xe, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, có 2 nguyên nhân chính.
Thứ nhất do thay đổi thời gian hiệu lực của GPLX từ 5 lên 10 năm. Theo đó, Thông tư 12/2012 có hiệu lực từ ngày 1/1/2023 quy định về việc đổi từ GPLX giấy sang chất liệu PET thì bằng lái xe được kéo dài thời gian có hiệu lực lên 10 năm thay vì 5 năm. Và như vậy, đến đầu năm 2023, số bằng lái xe đổi từ bằng giấy sang bằng PET đã đến thời gian đổi bằng mới theo quy định.
Thống kê của Sở GTVT Hà Nội cho thấy, vào năm 2013, số bằng lái xe mà Sở này đã cấp, đổi là 261.880 bằng (cấp mới là 173.089 và đổi là 88.791). Trong 173.089 bằng lái xe cấp mới có hơn 134.000 bằng A1, còn hơn 42.000 bằng lái xe ô tô.
Thêm vào đó, ngày 13/1/2023, Cục Đường bộ Việt Nam đã có thông báo về việc, Cục dừng tiếp nhận cấp, đổi GPLX trực tiếp tại trụ sở của Cục ở Tôn Thất Thuyết, Cầu Giấy. Thay vào đó, đối với người lái xe thuộc các cơ quan Trung ương, đoàn thể, các tổ chức quốc tế, ngoại giao có trụ sở cơ quan tại Hà Nội thì thực hiện thủ tục đổi GPLX tại các Sở GTVT địa phương; đối với các trường hợp người lái xe do Cục Đường bộ Việt Nam quản lý thì thực hiện đổi GPLX trực tuyến tại địa chỉ https://dvc4.gplx.gov.vn.
Song, việc đổi GPLX trên cổng dịch vụ công trực tuyến còn bất cập, thậm chí từ đầu năm 2023 đến nay, nhiều người gặp trục trặc nên đã đổ dồn về 2 điểm một cửa của Sở GTVT Hà Nội.
Dù đã triển khai đổi GPLX cấp độ 4 trên cổng dịch vụ công nhưng lại chưa đồng bộ giữa các Bộ, ngành vì vậy chưa thuận lợi cho người dân. Cụ thể, đến nay trên địa bàn TP Hà Nội mới có 3 cơ sở cấp Giấy khám sức khỏe điện tử gồm BV Đa Khoa Hà Đông, BV E và BV Giao thông vận tải.
“TP Hà Nội đã có văn bản kiến nghị Bộ Y tế mở rộng thêm các cơ sở khám sức khỏe cho lái xe có tích hợp điện tử trên cổng dịch vụ công để tạo điều kiện cho người dân làm thủ tục trực tuyến tại nhà, nhưng đến nay vẫn chưa có thêm cơ sở nào. Việc này cũng gây ra hạn chế cho người dân muốn làm thủ tục đổi GPLX trực tuyến trên cổng dịch vụ công”- ông Phong nói.