TAND TP.Hà Nội đang xét xử 27 bị cáo trong vụ án sai phạm về khai thác đất hiếm, liên quan đến Công ty CP Tập đoàn Thái Dương (gọi tắt là Công ty Thái Dương).
Trong số các bị cáo, có ông Đoàn Văn Huấn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Thái Dương; ông Nguyễn Linh Ngọc, cựu Thứ trưởng Bộ TN-MT; và ông Nguyễn Văn Thuấn, cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản.

Cựu Thứ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Linh Ngọc đến tòa sáng 12.5
ẢNH: PHÚC BÌNH
"Ưu ái" hồ sơ cấp phép
Vụ án bắt nguồn từ năm 2011, khi Công ty Thái Dương nộp hồ sơ xin cấp phép khai thác đất hiếm tại mỏ Yên Phú, H.Văn Yên, tỉnh Yên Bái.
Cơ quan tố tụng xác định, hồ sơ của Công ty Thái Dương chỉ có giấy chứng nhận đầu tư dự án khai thác, tuyển quặng do UBND tỉnh Yên Bái cấp (đã hết hạn nhưng chưa được gia hạn hoặc cấp mới), không có giấy chứng nhận đầu tư dự án nhà máy thủy luyện, nhà máy chiết tách.
Theo quy định, nếu muốn thực hiện, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp phải đảm bảo 30% tổng số vốn đầu tư của dự án. Song, Công ty Thái Dương chỉ có 200 tỉ đồng, trong khi tổng mức đầu tư dự án là 1.953 tỉ đồng, tức chỉ đạt hơn 10%.
Những thiếu thốn trong hồ sơ của Công ty Thái Dương có thể dễ dàng nhìn thấy. Thế nhưng, doanh nghiệp này vẫn có thể lách qua khe cửa hẹp một cách ngoạn mục.
Tổng cục Địa chất và Khoáng sản thuộc Bộ TN-TM là đơn vị tiếp nhận, thẩm định hồ sơ của Công ty Thái Dương. Khi thẩm định, ông Nguyễn Văn Thuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, cùng một số cán bộ của đơn vị này đã nhận xét là "đủ điều kiện", từ đó trình lãnh đạo bộ quyết định cấp phép khai thác khoáng sản cho doanh nghiệp.
Sau đó, với tư cách Thứ trưởng Bộ TN-MT, ông Nguyễn Linh Ngọc ký cấp giấy phép khai thác khoáng sản cho Công ty Thái Dương. Với "giấy thông hành" này, doanh nghiệp của bị cáo Đoàn Văn Huấn chính thức "đặt chân" vào mỏ Yên Phú.
Kết quả điều tra xác định, bị cáo Huấn đã chỉ đạo nhân viên tổ chức khai thác, tiêu thụ trái phép hàng ngàn tấn quặng đất hiếm và quặng sắt, với tổng giá trị hơn 864 tỉ đồng, trong đó đã tiêu thụ số quặng trị giá hơn 763 tỉ đồng.

Bị cáo được dẫn giải vào khu vực xét xử
ẢNH: PHÚC BÌNH

An ninh phiên tòa được siết chặt
ẢNH: PHÚC BÌNH
Đường đi của đất hiếm
Số quặng sau khi khai thác trái phép sẽ đi đâu? Cáo trạng cho thấy, Chủ tịch Công ty Thái Dương Đoàn Văn Huấn đã bán cho 4 nguồn khác nhau, gồm: Công ty Đất hiếm Việt Nam, Công ty Hợp Thành Phát, bị can Lưu Đức Hoa (quốc tịch Trung Quốc) và bị cáo Lưu Vũ (quốc tịch Trung Quốc).
Trong số này, Công ty Đất hiếm Việt Nam do Lưu Anh Tuấn làm Chủ tịch HĐQT. Từ năm 2019 - 2023, Công ty Thái Dương bán cho Công ty Đất hiếm Việt Nam hơn 3.500 tấn quặng đất hiếm hàm lượng TREO 18 - 20%, với tổng số tiền thanh toán hơn 142 tỉ đồng.
Lãnh đạo hai doanh nghiệp thống nhất phía Công ty Thái Dương chỉ xuất 3 hóa đơn đối với hơn 765 tấn quặng, đơn giá bình quân 14.000 đồng/kg (thực tế là hơn 40.000 đồng/kg). Phần còn lại không có hợp đồng, không xuất hóa đơn, tiền thu được để ngoài sổ sách kế toán.
Từ nguồn quặng đã mua của Công ty Thái Dương, Công ty Đất hiếm Việt Nam đã chế biến tổng số 482 tấn tổng ô xit đất hiếm hàm lượng TREO trên 95%. Bị cáo Tuấn chỉ đạo cấp dưới thực hiện thủ tục xuất khẩu cho các công ty tại Nhật Bản, Áo, Trung Quốc, với tổng trị giá hơn 379 tỉ đồng.
Ban đầu, Công ty Đất hiếm Việt Nam xuất bán hàng trăm tấn "tổng ô xit đất hiếm", trong khi theo quy định phải tinh luyện thành "bột ô xit đất hiếm riêng rẽ". Về sau, công ty này tiếp tục khai báo sai mã hàng hóa, được hưởng thuế suất 0% thay vì 10% như quy định.
Bị cáo Tuấn còn chỉ đạo lập báo cáo quyết toán hải quan không đúng nhằm che giấu số quặng đất hiếm đã mua của Công ty Thái Dương, chỉnh sửa số liệu các hợp đồng, hóa đơn nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc…
Ngoài Công ty Đất hiếm Việt Nam, Công ty Thái Dương đã bán hơn 24.400 tấn quặng sắt, trị giá gần 30 tỉ đồng, cho Công ty Hợp Thành Phát, do bị cáo Đặng Trần Chí làm giám đốc.
Đồng thời, bán 2.160 tấn quặng đất hiếm hàm lượng 14 - 17% cho bị can Lưu Đức Hoa (hiện đang bị truy nã); bán hơn 1.953 tấn đất hiếm với số tiền hơn 70 tỉ đồng cho bị cáo Lưu Vũ.