Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai vừa khởi tố vụ án, khởi tố 3 bị can để điều tra hành vi mua bán thịt heo chết, cho thấy mức độ nghiêm trọng của nạn thực phẩm bẩn và những hệ lụy đối với sức khỏe cộng đồng. Hai bị can Lê Văn Tiến (40 tuổi) và Trần Vũ Lâm (25 tuổi) đã bị bắt tạm giam; Hồ Thanh Diệu (35 tuổi, vợ Tiến) được tại ngoại để phục vụ điều tra về hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm.
Trước đó, cuối tháng 10.2024, lực lượng chức năng kiểm tra cơ sở giết mổ trái phép do Tiến điều hành tại ấp Tân Bắc, xã Bình Minh (H.Trảng Bom, Đồng Nai), phát hiện và thu giữ hơn 4,2 tấn thịt heo chết đã được pha lóc, trong tình trạng biến đổi màu sắc, bốc mùi hôi và nghi nhiễm dịch tả heo châu Phi. Theo lời khai của các bị can, số thịt này được mua từ nhiều hộ chăn nuôi tại Trảng Bom để chế biến thành giò chả, cung cấp cho bếp ăn công nghiệp và cơ sở kinh doanh thực phẩm tại Đồng Nai và Bình Dương.
Thực trạng thu gom, giết mổ và tiêu thụ heo chết luôn nhức nhối lâu nay. Điều 317 bộ luật Hình sự quy định hành vi vi phạm an toàn thực phẩm có thể bị phạt đến 20 năm tù nếu gây hậu quả nghiêm trọng như làm chết người, ngộ độc diện rộng hoặc tổn hại lớn đến sức khỏe người dân. Tuy nhiên, trong phần lớn trường hợp, các đối tượng chỉ bị xử phạt hành chính, dẫn đến tình trạng vi phạm tái diễn. Việc khởi tố hình sự lần này là bước chuyển tích cực trong cách tiếp cận và xử lý các hành vi gây nguy hại đến an toàn thực phẩm của cơ quan chức năng.
Vụ việc tại Đồng Nai cho thấy cần phải xem xét lại toàn bộ hệ thống giám sát, từ khâu kiểm soát dịch bệnh, hoạt động giết mổ, đến chuỗi phân phối thực phẩm ra thị trường. Theo đó, tăng cường năng lực thanh tra, điều tra và xử lý là cần thiết, bên cạnh đảm bảo tính minh bạch trong chuỗi cung ứng, để người tiêu dùng có thể nhận biết và từ chối thực phẩm không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng. Và với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan tố tụng, dư luận kỳ vọng tình trạng đưa thịt heo chết ra thị trường sẽ sớm bị đẩy lùi.