Theo Reuters, chính phủ Ấn Độ đã bác bỏ đề xuất của hãng ô tô Trung Quốc BYD về việc xây dựng một nhà máy trị giá 1 tỷ USD tại nước này thông qua quan hệ đối tác với Megha Engineering and Infrastructure Ltd có trụ sở tại Hyderabad.
Trước đó, BYD đã đệ trình đề xuất đầu tư 1 tỷ USD để sản xuất ô tô điện và pin tại Ấn Độ. Hãng tuyên bố sẽ sản xuất 10.000 -15.000 xe điện mỗi năm, trong khi Megha tham gia xây dựng cầu, đường và nhà máy điện. Đề xuất đầu tư cũng bao gồm kế hoạch thiết lập các trạm sạc và trung tâm nghiên cứu, phát triển.
Tuy nhiên, sau khi Bộ Thương mại Ấn Độ, Bộ Xúc tiến Công nghiệp và Thương mại Nội địa (DPIIT) tham khảo ý kiến từ các bộ ban ngành khác, Ấn Độ quyết định từ chối.
Việc bị từ chối xây nhà máy là đòn giáng với tham vọng của BYD. Hãng này đã gia nhập thị trường Nam Á từ năm 2007 và đã ra mắt 2 mẫu xe điện.
Trong cuộc phỏng vấn hồi tháng 1, Phó chủ tịch phụ trách thị trường Ấn Độ của BYD Sanjay Gopalakrishnan cho biết hãng đặt mục tiêu chiếm 40% thị phần xe điện tại thị trường này trước năm 2030. Động lực một phần đến từ việc Ấn Độ được đánh giá là thị trường có tiềm năng lớn về năng lượng bền vững, trong đó có năng lượng mặt trời, pin và xe điện.
Ngoài ra, các số liệu cũng cho thấy thị trường xe điện tại Ấn Độ đang tăng trưởng với tỷ lệ trung bình khoảng 90%/năm. Đến năm 2030, xe điện sẽ có thể chiếm khoảng 1/3 thị phần xe ô tô tại quốc gia 1,4 tỷ dân này.
Ấn Độ hiện là thị trường xe ô tô lớn thứ 3 thế giới, sau Mỹ và Trung Quốc. Xe điện hiện vẫn chỉ chiếm một thị phần nhỏ, song tiềm năng không thể phớt lờ. Báo Livemint của Ấn Độ trích dẫn báo cáo cho thấy, một công ty sản xuất ô tô nội địa của Ấn Độ M&M năm ngoái đã đạt mức tăng trưởng lên tới gần 2.500% chỉ nhờ đúng 1 mẫu xe điện. Vị trí chiến lược của Ấn Độ có thể biến nước này trở thành trung tâm lý tưởng giúp xuất khẩu EV sang các thị trường khác.
Theo: Reuters