Theo báo cáo vĩ mô mới đây của CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), sản xuất công nghiệp trong các tháng tới của Việt Nam được đánh giá sẽ tiếp tục tăng trưởng. Việc mở cửa ổn định nền kinh tế trong năm 2022 sẽ giúp các nhà máy trong các lĩnh vực sản xuất trọng điểm hoạt động tối đa công suất, qua đó giúp cho chỉ số sản xuất công nghiệp tăng trưởng trong năm nay.
Về tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng, BVSC cho rằng tổng mức bán lẻ sẽ tiếp tục tăng mạnh trong tháng tiếp theo.
Lý giải về điều này, các chuyên gia BVSC cho biết bởi đây là tháng bắt đầu của mùa cao điểm về du lịch. Đồng thời, sự kiện thể thao lớn nhất khu vực (SEA Games) diễn ra tại Việt Nam cũng sẽ góp phần hỗ trợ sự hồi phục của hàng không quốc tế, doanh thu mảng du lịch, cũng như tổng mức bán lẻ trong tháng 5 này.
Thêm vào đó, gói giảm 2% thuế VAT kéo dài tới cuối năm vẫn sẽ là yếu tố kích thích cầu tiêu dùng tăng trong năm 2022.
Về đầu tư công, vốn đầu tư từ NSNN trong tháng 4 đạt 33.500 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái và 16,13% so với tháng trước. Như vậy, sau 4 tháng, tổng lượng giải ngân vốn đầu tư công đạt 109.595 tỷ đồng, tăng 10,44% so với cùng kỳ, hoàn thành 19% kế hoạch cả năm.
Mặc dù vẫn ghi nhận tăng trưởng, tuy nhiên, BVSC nhận định giải ngân đầu tư công vẫn đang chậm so với tiến độ đề ra, một phần nguyên nhân do việc giá nguyên liệu đang neo ở mức cao và một số cơ quan chậm hoàn thiện các thủ tục giải ngân.
Hiện tại, Chính phủ và các cơ quan chức năng đang khẩn trương hoàn thiện thông tư hướng dẫn chỉ định thầu để có thể sớm giải ngân cho gói đầu tư phát triển hạ tầng theo Chương trình phục hồi nền kinh tế sau đại dịch COVID-19. Hoàn thành cơ chế đặc thù, tiến độ giải ngân các dự án hạ tầng sẽ được đẩy nhanh hơn trong thời gian tới.
Về vốn FDI, trong 4 tháng đầu năm 2022, vốn FDI đăng ký cấp mới tiếp tục giảm 56% so với cùng kỳ, nhưng vốn đăng ký điều chỉnh ghi nhận mức tăng 92% so với cùng kỳ và vốn FDI thực hiện cũng tăng 7,64%.
Ngành công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục nhận được lượng vốn FDI đăng ký (bao gồm cấp mới và điều chỉnh) lớn nhất, 65%. Singapore vẫn là đối tác có tổng vốn FDI đăng ký cấp mới lớn nhất của Việt Nam, với tỷ trọng 28%.
Ngoài ra, BVSC cũng đánh giá sự hồi phục của ngành sản xuất sẽ tiếp tục hỗ trợ xuất khẩu tăng trưởng trong năm 2022.
Dù vậy, việc Trung Quốc áp dụng lệnh phong tỏa ở nhiều thành phố do vẫn đang duy trì chính sách Zero-COVID có thể sẽ có tác động tới chuỗi cung ứng toàn cầu, cũng như tình hình xuất nhập khẩu của Việt Nam nếu như dịch bệnh ở đây tiếp tục kéo dài.
Theo các chuyên gia phân tích của BVSC, việc nguồn cung lương thực thực phẩm trong nước ổn định trong năm nay vẫn sẽ là yếu tố hỗ trợ cho giá của nhóm thực phẩm, giúp làm giảm áp lực tăng lên chỉ số CPI (khi đây là nhóm hàng chiếm quyền số lớn nhất trong rổ tính CPI của Việt Nam – trên 21%).
Dù vậy, với diễn biến tiếp tục tăng mạnh của giá dầu thô cùng một số mặt hàng khác trên thị trường thế giới (như than, phân bón, thức ăn chăn nuôi,...), cùng với mặt bằng giá thấp trong nửa đầu năm 2021 và nhu cầu tăng trở lại, lạm phát có thể sẽ tăng mạnh hơn trong các tháng tiếp theo.
"Nếu giá dầu tiếp tục tăng do các bất ổn về nguồn cung trong thời gian tới, lạm phát cả năm 2022 có thể sẽ tăng vượt mức mục tiêu 4%", BVSC nhận định.