Theo Tổng cục Hải Quan, 9 tháng đầu năm nay, giá trị xuất - nhập khẩu hàng hóa container thông qua đường biển ước đạt lần lượt 146 tỷ USD (giảm 7% so với cùng kỳ), 97 tỷ USD (giảm 18% so với cùng kỳ).
Cụ thể, giá trị xuất khẩu thông qua container đường biển sang ba thị trường chính của Việt Nam là Mỹ giảm 16%, Trung Quốc tăng 1%, EU giảm 11% so với cùng kỳ. Còn ba thị trường nhập khẩu chính là Trung Quốc, Hàn Quốc và khối ASEAN tiếp tục tăng trưởng âm.
Trong bối cảnh nhu cầu vận chuyển hàng hoá thấp, kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp cảng biển cũng không mấy khả quan. Theo thống kê, có 7/13 đơn vị có doanh thu sụt giảm, 6/13 doanh nghiệp có lợi nhuận "đi xuống", một doanh nghiệp báo lỗ.
“Anh cả” trong ngành vận tải biển Việt Nam - Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC - Mã: MVN) tiếp tục có một quý kinh doanh không thuận lợi khi doanh thu và lợi nhuận đều giảm.
Trước đó, Tổng Giám đốc VIMC Nguyễn Cảnh Tĩnh từng đưa dự báo tình hình kinh doanh không mấy khả quan, “2023 là một năm rất khó khăn, thách thức nhiều hơn cơ hội”. Vị lãnh đạo chỉ ra thực tế là thị trường ngày càng cạnh tranh khốc liệt khi lượng container về ít trong khi các cảng, dịch vụ về cảng xuất hiện ngày càng nhiều.
Song, để gia tăng cạnh tranh trong ngành, trong 9 tháng đầu năm, VIMC đã phát triển được thêm 9 tuyến dịch vụ container mới tại cảng Hải Phòng, cảng Đà Nẵng, cảng Sài Gòn, SSIT và CMIT.
Trong quý III, dù doanh thu tăng trưởng nhưng lợi nhuận sau thuế của CTCP Tập đoàn Container Việt Nam (Viconship – Mã: VSC) giảm 50% so với cùng kỳ, xuống 50 tỷ đồng do công ty gia tăng vay nợ để thực hiện thương vụ M&A. Hồi tháng 5, Viconship thông báo hoàn tất mua lại phần vốn góp tại Cảng Nam Hải Đình Vũ từ Gemadept. Sau giao dịch, Viconship nâng tỷ lệ sở hữu tại đây từ 0% lên 35%.
Tính đến cuối quý III, tổng nợ vay của Viconship khoảng 1.573 tỷ đồng, chủ yếu là vay dài hạn với 1.418 tỷ đồng. Chứng khoán DSC đánh giá, việc tăng cường nợ vay đột ngột làm tăng gánh nặng lãi vay có thể làm lợi nhuận Viconship tiếp tục tăng trưởng âm, trong khi các dự án mới chưa đóng góp đáng kể vào kết quả kinh doanh.
Hiện tại, Viconship đang lên kế hoạch nhận chuyển nhượng tối đa 44% vốn của Cảng Nam Hải Đình Vũ từ Công ty TNHH Thương mại Kim Khí XNK Huy Hoàng và Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Đoàn Huy. Nếu thương vụ thành công, công ty dự kiến sở hữu 79% vốn của Cảng Nam Hải Đình Vũ.
Là bên bán cảng Nam Hải Đình Vũ, CTCP Gemadept (Mã: GMD) có kết quả kinh doanh khá tích cực trong quý III với 338 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 18% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, công ty vượt 154% kế hoạch lợi nhuận năm trong 9 tháng nhờ khoản tiền từ thương vụ bán cảng, được ghi nhận trong báo cáo tài chính quý II.
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, với dòng tiền dồi dào từ thoái vốn tại Nam Hải Đình Vũ sẽ giúp cho Gemadept bổ sung vốn để đầu tư cảng Gemalink giai đoạn 2 và Nam Đình Vũ giai đoạn 3 và cơ cấu lại các khoản vay có lãi suất cao, giảm áp lực về chi phí tài chính. Bên cạnh đó, sản lượng sản lượng container chuyển về từ Nam Hải Đình Vũ sẽ nâng cao công suất khai thác cho Nam Đình Vũ và tối ưu chi phí vận hành.
Tổng Giám đốc Gemadept từng đánh giá “từ chỉ tiêu kế hoạch cộng với lợi nhuận từ thoái vốn cảng Nam Hải Đình Vũ thì lợi nhuận hợp nhất năm nay của công ty kỳ vọng đạt hơn 3.100 tỷ đồng".
Mặc dù, doanh thu từ hoạt động kinh doanh cốt lõi "đi xuống" nhưng nhờ hoàn nhập chi phí dự phòng (55 tỷ đồng), CTCP Cảng Sài Gòn (Mã: SGP) báo lãi sau thuế tăng đột biến, gấp 3 lần cùng kỳ lên 94 tỷ đồng trong quý III.
Ở nhóm vận tải biển, trong quý III, CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An (Mã: HAH) ghi nhận 681 tỷ đồng doanh thu thuần giảm 13%, lợi nhuận sau thuế 113 tỷ đồng giảm 59% so với cùng kỳ.
Theo HAH cho biết, sản lượng hàng vận chuyển, giá cước biển, giá cho thuê tàu giảm mạnh so với cùng kỳ và chi phí cho đội tàu tăng do tăng thêm tàu HA Rose vào tháng 11/2022 dẫn tới lợi nhuận hoạt động khai thác tàu giảm mạnh. Bên cạnh đó, công ty cũng ghi nhận lỗ kinh doanh từ công ty liên doanh Zim Hải An do công ty mới thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 3.