CTCP Đầu tư Thương mại SMC (Mã: SMC) vừa công bố kế hoạch kinh doanh năm 2023 với lợi nhuận sau thuế kỳ vọng 150 tỷ đồng, sản lượng tiêu thụ dự kiến 1 triệu tấn thép các loại, lần lượt giảm 50% và giảm 20% so với kế hoạch năm 2022.
Kế hoạch này được đưa ra trong bối cảnh ngành thép đang rơi vào giai đoạn khó khăn. Tính riêng trong quý III, các doanh nghiệp thép như Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG), Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG), Thép Nam Kim (Mã: NKG), Thép SMC hay Tổng Công ty Thép Việt Nam (Mã: TVN)… đều ghi nhận lỗ cao kỷ lục do nhu cầu yếu, giá bán giảm trong khi nguyên liệu đắt đỏ và chi phí tài chính lên cao.
Các tổ chức lớn đều cho rằng tình hình sẽ không sớm cải thiện. Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) nhận định những khó khăn ngành thép đang phải đối mặt có thể kéo dài đến quý II/2023.
Theo ông Nguyễn Văn Sưa, chuyên gia trong ngành thép, khó khăn hiện tại xuất phát từ việc tổng cầu về vật liệu thép trong xây dựng suy yếu. Sự bất ổn của thị trường bất động sản trong nước là một trong những nguyên nhân làm giảm nhu cầu đối với các sản phẩm thép.
Trong khi đó, giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất tăng cao, như giá than luyện tăng 100 - 200 USD/tấn; tín dụng thắt chặt, tỷ giá và lãi suất tăng mạnh. Những yếu tố này diễn ra đồng loạt khiến cho doanh nghiệp khó lòng ứng phó, liên tục gặp thua lỗ.
Bên cạnh đó, những yếu tố khác như cuộc xung đột Nga - Ukraine, chính sách thực hiện Zero COVID-19 của Trung Quốc khiến nhu cầu thép tại thị trường này giảm trong khi đây là một trong những thị trường xuất khẩu chính của nhiều doanh nghiệp Việt Nam; lạm phát toàn cầu cũng đang ảnh hưởng đến ngành thép và xây dựng trong nước.
Đại diện Tập đoàn Hoà Phát cho biết, than và quặng là hai nguyên liệu quan trọng nhất để sản xuất thép bằng công nghệ lò cao mà Hòa Phát đang sử dụng. Trong khi quặng sắt đã giảm từ cuối năm 2021 và duy trì ở mức dễ chịu thì giá than đã trải qua nhiều biến động mạnh trong 9 tháng năm 2022. Xung đột Ukraine và Nga, một trong những nhà cung cấp than lớn trên thế giới đã dấy lên lo ngại thái quá về thiếu hụt nguồn cung dẫn đến cú sốc về giá than lên cả phần còn lại thị trường.
Bên cạnh đó, các lệnh trừng phạt đã làm đứt gãy dòng chảy cung ứng cũ và việc thiếu chu trình vận tải cho các cung đường mới làm tăng chi phí vận chuyển khiến giá nguyên liệu nhập khẩu càng cao hơn. Giá than đã tăng gấp 3 mức bình thường trong hai lần đạt đỉnh vào tháng 3/2022 và tháng 5/2022.