Từ mẫu giáo đến tiểu học là một bước tiến rất quan trọng trong quá trình trưởng thành của trẻ. Việc giúp con thích nghi với môi trường mới, khác hoàn toàn so với mẫu giáo, chú tâm học hành là vấn đề khiến không ít phụ huynh đau đầu.
Mới đây, một bức ảnh được chia sẻ đã ngay lập tức "viral" trên mạng xã hội. Thoạt nhìn thì trông rất bình thường, chỉ là một em bé đang ngồi học bài, sau lưng là hai phụ huynh đang "giám sát". Tuy nhiên, chú thích nghề nghiệp của bố mẹ khiến ai nấy không khỏi bật cười. Người mẹ là phó phòng, bố là thạc sĩ, giảng viên đại học. Nhưng nhìn tư thế người chống cằm, người chống tay lên trán là đủ hiểu độ... bất lực ra sao. "Chỉ có 2 từ "quánh" bật mọi chức danh: Lớp một", nhiều người nhận định hài hước.
Phía dưới bài viết, nhiều cư dân mạng thả "ha ha" vì thấy quá đồng cảnh ngộ. Ai đã từng kèm con nhỏ học bài mới hiểu được cảnh tại sao có người phải "vò đầu bứt tóc", "tự trói tay", "chui đầu vào tủ lạnh" để hạ hỏa, không đánh con. Trên các diễn đàn, chủ đề kèm con học luôn rôm rả, bao nhiêu tình huống dở khóc dở cười có thật khiến hội phụ huynh đồng cảm.
Dù đã ngàn lần tự nhắc mình phải hít thở sâu, bình tĩnh khi dạy con học nhưng đôi khi dạy mãi không hiểu, trẻ nhỏ lơ là khiến người lớn như mất hết năng lượng, nổi điên với con.
Nhiều người để lại bình luận: "Cảnh này thật quen thuộc, ta đã thấy ở đâu đó rồi thì phải"; "Con tôi đánh vần: Bé Hà bị ho, bà cho bé lọ bổ não" của người ta là bổ phế"; "Bằng đại học nhà tôi bảo: Anh chịu thôi, em lên mà xử lý"; "Áp lực từ người học đến người dạy. Trang thiết bị, sách vở xịn sò nhất có thể nhưng chỉ có 1 người thờ ơ đó là con tôi"; "Đứa đầu tiên mình mong muốn con thành thạo tiếng Việt + tiếng Anh song song, muốn con học giỏi. Xong lúc bắt đầu đi học thì ngáo ngáo ngơ ngơ, không tập trung, thế là chỉ cần nó biết chữ biết tính là được. Sang đứa thứ 2 thì nó bị ngọng, chỉ cần không ngọng là được. Tiêu chuẩn hạ thấp dần không dám đặt cao luôn"...
Cần tạo thói quen tốt cho trẻ lớp 1
Khác với mẫu giáo, một đặc điểm khác biệt của trường tiểu học là giáo viên tiểu học sẽ không chăm sóc trẻ mọi lúc. Vì vậy, việc rèn luyện tính độc lập, tự chủ càng được chú trọng. Giai đoạn tiểu học là giai đoạn quan trọng để hình thành các thói quen tốt ở trẻ. Nhưng nếu không có kế hoạch tổng thể và có hệ thống thì rất khó để trẻ đạt được mục tiêu.
Ví dụ, khi một đứa trẻ viết bài tập về nhà lần đầu tiên, thay vì đợi con gặp vấn đề rồi mắng mỏ, chúng ta nên suy nghĩ trước về những thói quen học tập nào có thể liên quan đến việc viết bài ở nhà của trẻ. Chẳng hạn như xem lại bài cũ, quan niệm về thời gian, nắm vững tư thế cầm bút, tư thế ngồi đúng cách,… Ở giai đoạn sau còn có những thói quen như xem kỹ câu hỏi, sửa sai kịp thời, xem trước tiết học mới.
Vì vậy, khi con làm chưa tốt, cha mẹ chúng ta đừng vội mắng con mà trước hết hãy ngẫm lại xem mình đã bỏ qua một khía cạnh nào đó trong quá trình hình thành thói quen của trẻ hay chưa.
Ngoài ra, ngoài việc giúp các em chuẩn bị về thói quen học tập, chúng ta cũng cần chuẩn bị về thói quen sinh hoạt, thói quen đọc sách, thói quen thể dục. Trong đó, việc chuẩn bị thói quen sinh hoạt chủ yếu bao gồm các khía cạnh sau: Thói quen đi ngủ sớm và dậy sớm; thói quen ăn uống không kén chọn, thói quen học tập và nghỉ ngơi đều đặn; thói quen tự làm những việc của mình; thói quen không xả rác,...
Việc chuẩn bị thói quen đọc chủ yếu bao gồm các mặt sau: Chuẩn bị trước tủ sách và danh mục sách cho trẻ ở nhà; tạo không khí đọc sách trong gia đình. Cha mẹ cũng có thể bắt đầu với các hoạt động tương đối đơn giản là chạy, nhảy dây,… để trẻ chuẩn bị cho việc hình thành thói quen lành mạnh cả về tinh thần và thể chất.