BTV Minh Hằng (sinh năm 1988) là gương mặt quen thuộc của Bản tin Tài chính Kinh doanh trên VTV. Nữ BTV gây ấn tượng với khán giả bởi lối dẫn thông minh, chuyên nghiệp cùng vẻ ngoài xinh đẹp, trẻ trung. Xuất thân trong gia đình có truyền thống làm báo chí, Minh Hằng nuôi ước mơ được đi làm báo, trở thành BTV truyền hình và theo học tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Hơn 10 năm trước, khi mới bước vào Đài truyền hình Việt Nam, BTV Minh Hằng mang trong mình một giấc mơ rằng, một ngày nào đó sẽ được lên chuyến tàu đến Trường Sa tác nghiệp. Nhưng để được đặt chân lên chuyến tàu đó là điều không hề dễ dàng. Hết năm này qua năm khác, chuyến tàu ấy và cô phóng viên Minh Hằng đã liên tục "bỏ lỡ nhau". Tưởng chừng, không thể thực hiện được giấc mơ của tuổi trẻ khi ấy, nhưng cơ hội đã mỉm cười, sau hơn 10 năm ròng rã chờ đợi, mới đây, Minh Hằng đã có thể được đặt chân lên chuyến tàu đến Trường Sa mà chị luôn mong muốn.
Nhân dịp BTV Minh Hằng trở về sau chuyến công tác Trường Sa, chúng tôi đã hẹn chị để có một buổi gặp gỡ và trò chuyện, nghe chị kể về hành trình chạm đến giấc mơ Trường Sa của mình.
Cuộc chờ đợi hơn 10 năm để hoàn thành được giấc mơ tuổi trẻ
Chào BTV Minh Hằng, được biết, chị vừa trở về sau chuyến công tác tại Trường Sa, vì sao chị lại xung phong tham gia chuyến công tác lần này?
Trường Sa là giấc mơ tuổi trẻ của tôi. Ngay từ khi bước chân vào Đài truyền hình Việt Nam hơn 10 năm trước, tôi đã có mơ ước về một ngày nào đó sẽ được đặt chân lên tàu, đi ra quần đảo Trường Sa. Tôi muốn ghi nhận cuộc sống của các chiến sĩ và hiểu thêm về những thứ diễn ra tại nơi đây. Tuy nhiên, Trường Sa không phải là một nơi dễ gì có thể đi đến được, bởi không chỉ xa xôi về mặt địa lý, mà hàng năm cũng không có quá nhiều chuyến tàu ra quần đảo.
Lúc mới vào nghề, tôi rất muốn đi Trường Sa nhưng điều kiện chưa cho phép. Khi đủ điều kiện đi công tác Trường Sa rồi thì tôi lại quá bận với công việc tại VTV.
Khi tôi còn trẻ, tôi có 3 giấc mơ lớn và đã thực hiện được 2. Tôi không thể ngờ rằng, tháng 4/2022, tôi lại có cơ duyên hoàn thành nốt giấc mơ thứ 3 này. Trường Sa là giấc mơ hơn 10 năm, mà có lúc tôi nghĩ đã không thể thành hiện thực. Nên bây giờ, dù không còn quá trẻ nữa, nhưng tôi thấy vô cùng hạnh phúc.
Công việc ở VTV của chị vốn rất bận rộn, làm thế nào để chị có thể đi một chuyến công tác dài ngày như vậy?
Tôi vẫn nói đùa với mọi người rằng, để có thể đi ra quần đảo Trường Sa lần này, tôi phải viết đến 2 cái "tâm thư" gửi cho sếp. Như bạn biết đấy, ngoài các bản tin phát sóng trực tiếp hàng ngày, thì chúng tôi còn có rất nhiều bản tin mới ra mắt trên các nền tảng số. Việc có thể "dứt bản tin ra đảo" là điều không hề dễ dàng. Chính vì vậy, tôi thật sự cảm ơn các sếp và các đồng nghiệp đã tạo điều kiện cho tôi có thể đi chuyến công tác lần này. Tôi cũng hứa với các sếp trước khi đi và sau khi trở về từ Trường Sa, tôi sẽ làm việc gấp 10, và bây giờ tôi đang giữ đúng lời hứa.
Trong chuyến hành trình đến Trường Sa, điều gì khiến chị ấn tượng nhất?
Tôi không thể trả lời được trong chuyến đi Trường Sa lần này mình ấn tượng cái gì nhất, bởi tất cả mọi thứ với tôi đều ấn tượng. Trước khi bắt đầu chuyến hành trình 10 ngày trên biển thì chúng tôi có 4 ngày cách ly ở đất liền. Ngay từ khoảnh khắc mà tôi đáp máy bay xuống quân cảng Cam Ranh và cách ly tại đây, tất cả mọi thứ đã vô cùng ấn tượng với tôi.
Còn khoảnh khắc bắt đầu đặt chân lên tàu, tôi cảm giác như đang được bước vào giấc mơ đẹp của chính mình. Nếu không có chuyến đi này, tôi sẽ không bao giờ có thể biết được là những người lính hải quân họ sống, sinh hoạt như thế nào. Mặc dù tôi là 1 phóng viên kinh tế lâu năm, đã từng xem nhiều thước phim về Trường Sa nghe nhiều câu chuyện ở đảo do các đồng nghiệp ghi lại. Nhưng cảm xúc khi chính mình được trải nghiệm, được sống trong hoàn cảnh đó thì nó rất khác so với được xem trên tivi hay trên mạng.
Lần đầu đặt chân lên quần đảo Trường Sa, chị có gặp khó khăn gì không?
Đây là chuyến đi hội tụ đủ các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Hầu như tôi không gặp khó khăn gì. Chuyến đi này của chúng tôi thời tiết vô cùng đẹp. Nghĩa là phải đến 3/4 hải trình là thời tiết sóng yên, biển lặng. Thậm chí chuyến đi này của chúng tôi trùng đúng vào thời điểm có trăng rằm. Lần đầu tiên trong cuộc đời của tôi được ở giữa Biển Đông, ngắm nhìn trăng rằm soi rọi cả biển. Thậm chí ngay từ ngày đầu bước chân lên tàu, chúng tôi đã nhìn thấy cá heo.
Phải nói đây là chuyến đi vô cùng tuyệt vời. Vì các các chiến sĩ hải quân, ai cũng rất thân thiện và chu đáo, luôn luôn giúp đỡ các thành viên trong đoàn Một ngày thậm chí họ chỉ ngủ 3-4 tiếng thôi nhưng lúc nào cũng nở nụ cười trên môi.
Tôi đã nghe rất nhiều về các câu chuyện về anh bộ đội cụ Hồ, nhưng trải nghiệm giao lưu, sinh hoạt cùng các anh lính đảo lâu ngày như vậy thì đây là lần đầu tiên.
Chị có kỷ niệm đặc biệt nào trong chuyến công tác Trường Sa lần này?
Tôi nhớ nhất 2 ngày cuối trong chuyến đi của chúng tôi, lúc ấy sóng to, biển động. Lần đầu trong đời tôi bị say sóng, chỉ nằm bẹp. Cứ thỉnh thoảng lại có một anh lính hải quân hay một anh chị trong đoàn sang gõ cửa hỏi tôi có mệt không, có muốn ăn gì không. Người vào đưa cho tôi gói lương khô, người lại dúi cho gói lạc. Thật sự tôi vô cùng cảm động với tình cảm của mọi người trên tàu.. Khi về đến đất liền, tôi vẫn giữ gói lương khô và túi lạc mà mình được tặng.
Những người lính hải quân trên đảo cũng làm tôi thấy rất ấn tượng. Có những bạn rất trẻ, chỉ 19 đôi mươi đã phải đi rất xa để làm nhiệm vụ. Khi tôi hỏi mong nhất điều gì thì bạn ấy bảo em rất nhớ mẹ, nếu có 1 đoàn tàu đi ra đảo là em mong nhất được gặp mẹ. Những điều như thế làm tôi thật sự xúc động.
Nghe chị kể, tôi thấy dường như chuyến đi này có ảnh hưởng rất lớn đối với chị. Vậy nó có làm thay đổi điều gì ở chị không?
Chuyến đi này làm thay đổi nhân sinh quan của tôi về tất cả mọi thứ. Tôi cảm thấy biết ơn cuộc đời và thấy cuộc sống này ý nghĩa hơn. Tôi vô cùng khâm phục các chiến sỹ ngày đêm đang thực hiện nhiệm vụ nơi đảo xa. Lên tàu ra đảo thì đa phần không có sóng điện thoại, hoàn toàn không có mạng. Đây là chuyến đi chỉ có con người với con người, mình sẽ về với cảm xúc nguyên bản nhất, nhìn cuộc sống bằng thấu kính khác, có nhiều cảm nhận sâu sắc hơn. Trong chuyến đi, mỗi ngày tôi chỉ ngủ 4-5 tiếng thôi, nhưng tôi cảm thấy vui, hào hứng nên chẳng có chút mệt mỏi nào cả.
Khi từ Trường Sa trở về, nhịp độ làm việc của chị thay đổi như thế nào?
Tôi đã hứa với sếp là khi từ Trường Sa về sẽ làm gấp 10 lần bình thường (cười). Thực tế thì sau khi về tôi cũng đã và đang làm việc hết công suất. Hàng ngày vẫn là phóng viên kinh tế, bên cạnh việc biên tập và lên sóng hàng tuần, thì tôi cũng đi rất nhiều nơi để sản xuất phóng sự,. Tôi sẽ dành thời gian rảnh được nghỉ để hậu kỳ về chuyến đi Trường Sa của mình.
Chính thời gian 3 năm bị cắt sóng đó khiến tôi trưởng thành hơn rất nhiều
Hậu trường thường có những chuyện vui, buồn hay sự cố khi lên sóng, có sự vụ nào mà chị không thể quên?
12 năm làm ở Đài, tôi cũng có nhiều kỷ niệm. Nhưng có một điều tôi chắc chắn rằng, mọi chương trình trước khi lên sóng ở VTV đều được kiểm duyệt gắt gao. Đa phần chúng tôi đều có sự chuẩn bị vô cùng kỹ lưỡng, gần như tất cả các bản tin đều chỉn chu nhất có thể. Rất hiếm khi chúng tôi gặp sự cố đáng tiếc trong các bản tin.
Những kỷ niệm đáng nhớ nhất đa phần ở quãng thời gian khi tôi mới vào đài. Tôi lên sóng rồi lại bị xuống sóng. Khoảng thời gian ấy, thật sự tôi đã phải cố gắng rất nhiều, vượt qua chính mình và luôn làm mới bản thân.
Nhìn lại chặng đường 12 năm làm việc, gắn bó ở VTV, chị thấy mình thay đổi ra sao?
12 năm là một khoảng thời gian không quá dài nhưng cũng không phải là ngắn. Cho đến thời điểm này tôi vẫn cảm thấy rất hạnh phúc khi được làm việc tại VTV. Được làm công việc yêu thích, mình sẽ có rất nhiều năng lượng vào mỗi sáng thức dậy và cảm thấy thoải mái dù dù phải trở về nhà rất muộn. Sau 12 năm ở đài, tôi học được rất nhiều thứ, kinh nghiệm, bản lĩnh, sự kiên trì.
Làm việc ở môi trường chuyên nghiệp và nhiều quy tắc khắt khe như VTV, chị gặp phải những áp lực như thế nào?
Làm việc ở 1 đơn vị sản xuất tin tức, 1 nơi có cường độ làm việc cao thì áp lực lớn nhất là phải luôn sáng tạo và vượt qua chính mình. Làm việc lâu ở một nơi vừa là thuận lợi nhưng cũng là bất lợi. Thuận lợi ở đây là mình đã rất quen thuộc với công việc này rồi. Còn bất lợi là đôi khi, mình dễ hài lòng với những thứ mình đang có. Rất may, nơi tôi đang làm việc, mọi người đều luôn cố gắng, sáng tạo, hỗ trợ và truyền lửa cho nhau mỗi ngày. Nên dù bạn có thâm niên bao nhiêu năm đi làm chăng nữa, bạn vẫn luôn phải làm mới mình để phù hợp với môi trường làm việc.
Khi mới vào nghề, chị từng bị cắt sóng 3 năm vì gương mặt quá trẻ. Đã nhiều năm trôi qua, điều này có để lại dư âm gì trong chị không?
Tôi có cơ may được làm việc, cộng tác ở VTV khi còn là sinh viên của Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Lúc đó tôi đã được lên dẫn ở Bản tin tài chính kinh doanh. Bản tin tài chính kinh doanh là 1 bản tin kinh tế, nhiều sức nặng. Ở thời điểm đấy, những người dẫn bản tin tài chính kinh doanh, người ít nhất cũng có 4 năm kinh nghiêm, đa phần các anh chị là người dẫn chuyên nghiệp. Còn tôi, vừa trẻ nhất, vừa ít kinh nghiệm nhất, lại được trao cho cơ hội lớn nên rất áp lực.
Lúc ấy, chưa lên sóng được bao lâu thì tôi bị xuống sóng vì gương mặt trẻ quá không phù hợp với tính chất của bản tin chuyên sâu kinh tế, phát trên 1 kênh chính luận như VTV1. Khi bị xuống sóng như vậy đương nhiên mình sẽ có cảm xúc nhất định. Nhưng mục tiêu xa của tôi ngay khi có cơ hội làm việc ở VTV là trở thành phóng viên. Thế nên khoảng thời gian xuống sóng 3 năm ấy là cực kỳ quý giá để tôi tập trung vào công việc phóng viên. Chính thời gian 3 năm bị cắt sóng đó khiến tôi trưởng thành hơn rất nhiều. Khi tôi quay trở lại, cách tôi lên sóng, dẫn bản tin đã khác rất nhiều rồi.
Tôi nghĩ, nếu mọi thứ đều có được dễ dàng, chúng ta sẽ không biết được giá trị những gì chúng ta đang có. Tôi đã có 1 khởi đầu không mấy thuận lợi nên tôi càng phải cố gắng hơn . Để có được ngày hôm nay, thật sự tôi cảm thấy những ngày tháng đó rất ý nghĩa trong cuộc đời của mình.
Tôi cũng luôn cố gắng để có thể gây dựng được 1 phần như mẹ mình ngày xưa
Được biết chị là con gái của phát thanh viên Minh Lý - người có hàng chục năm kinh nghiệm làm việc tại Truyền hình Công an Nhân dân và đạt nhiều giải thưởng về báo chí. Vậy có phải mẹ chị chính là người truyền cảm hứng khiến chị trở thành 1 BTV không?
Tôi may mắn là con gái của một người khá nổi tiếng trong ngành báo chí. Mẹ tôi là người truyền cảm hứng cho tôi cả trong công việc và trong cuộc sống. Từ hồi còn đi học, những kiến thức về báo chí đã đến với tôi một cách rất tự nhiên. Khi cả gia đình cùng ăn tối, xem bản tin thời sự 19h sẽ cùng nhau bàn luận về vấn đề gì đó. Mẹ tôi cũng có những chia sẻ về nghề nghiệp, kể những chuyện mẹ đi công tác ra sao, gặp những ai, làm việc như thế nào. Qua những câu chuyện mẹ kể, tình yêu với truyền hình trong tôi cũng theo đó lớn dần lên và trở thành đam mê.
Khi mới bước chân vào VTV, những ngày đầu của tôi khá khó khăn vì tôi còn thiếu nhiều kinh nghiệm. Những lúc như vậy mẹ là người động viên, tiếp thêm nguồn năng lượng, chia sẻ kinh nghiệm cho tôi. Tôi cảm thấy mình vô cùng may mắn khi có một người mẹ như vậy.
Là "con nhà nòi", có bao giờ chị nhận được những lời bàn tán như nhờ mối quan hệ của mẹ mà chị được vào VTV không?
Ở VTV, dù bạn có là con ai mà bạn không làm được việc, thì sớm muộn bạn cũng bị "out" thôi. Vì các sản phẩm của bạn đều được thể hiện trên sóng truyền hình, nếu nó dở, không có ông bố bà mẹ nào có thể che chở được cho bạn cả.
Chị học và thấy ngưỡng mộ những điều gì ở mẹ mình? Đã bao giờ mẹ chị góp ý hay đưa ra lời nhận xét về việc dẫn chương trình của chị chưa?
Ở thế hệ của mẹ tôi, mẹ cũng là một gương mặt in sâu dấu ấn trong lòng nhiều khán giả. Nhiều người biết mặt, biết tên. Đấy cũng là điều tôi rất tự hào nhưng cũng là áp lực của tôi. Tôi cũng luôn cố gắng để có thể gây dựng được 1 phần như mẹ mình ngày xưa. Về câu chuyện góp, ý bản thân mẹ tôi là một người làm nghề, cũng là một người rất yêu nghề. Mẹ tôi thường xuyên xem tivi, không chỉ mình chương trình của con gái dẫn mà tất cả các chương trình. Mẹ tôi thường xuyên cho tôi những góp ý từ cái nhỏ như trang phục, tóc tai lên hình cho đến những cái lớn như là phóng sự này làm ra sao.
Mẹ tôi là người rất nghiêm khắc, kỷ luật và chăm chỉ. Những ngày tôi mới vào nghề, nếu yêu cầu công việc của sếp tôi là 1 thì đòi hỏi của mẹ tôi với tôi thậm chí là còn gấp đôi. Mẹ luôn rèn cho tôi tính tự lập và cố gắng rất cao. Hồi trẻ, đôi lúc tôi cảm thấy áp lực. Nhưng khi lớn lên, tôi cảm thấy biết ơn vì điều đó rất nhiều. Một phần do tính cách của tôi, cùng với sự giáo dục nghiêm khắc của mẹ mà tôi trở thành một người rất kiên trì và cố gắng. Cũng chính vì điều đó mà tôi mới có ngày hôm nay, mới kiên trì chờ đợi được suốt hơn 10 năm để thực hiện giấc mơ Trường Sa của mình.
Cảm ơn chị về những chia sẻ này!