Nhiều nghiên cứu trước đây đã liên kết các hóa chất tự nhiên có trong cà phê với mức Cholesterol trong máu tăng cao hơn, liên quan đến những vấn đề về tim mạch, bao gồm cả đột quỵ.
Nhóm các nhà khoa học từ Na Uy đã kiểm tra mối liên hệ giữa phương pháp pha cà phê và lượng Cholesterol bằng cách xem xét cách mọi người uống cà phê và đánh giá mức độ Cholesterol trong máu của họ.
Nghiên cứu đã kiểm tra thông tin của hơn 21.000 người trên 40 tuổi ở thành phố Tromso, Na Uy. Phân tích cho thấy mối liên hệ giữa cà phê và Cholesterol khác nhau tùy thuộc vào phương pháp pha cà phê, trong đó có sự khác biệt đáng kể về giới.
Những người uống 3 - 5 tách cà phê Espresso mỗi ngày có nhiều khả năng có lượng Cholesterol trong máu cao hơn so với những người không uống cà phê Espresso.
Nam giới uống 3 - 5 ly cà phê Espresso dường như có nồng độ Cholesterol cao hơn phụ nữ.
Nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu ở Na Uy. (Ảnh: Sky News)
Những người tham gia uống hơn 6 tách cà phê từ bình pha cà phê đã tăng mức Cholesterol so với những người khác.
Việc uống hơn 6 tách cà phê lọc có liên quan đến mức Cholesterol cao hơn ở phụ nữ, nhưng đối với nam giới thì không.
Nghiên cứu cho thấy, không có mối liên hệ đáng kể nào giữa cà phê hòa tan và mức Cholesterol.
Các tác giả cho biết: "Phát hiện quan trọng nhất là tiêu thụ cà phê Espresso có liên quan đáng kể đến việc tăng S-TC (tổng lượng Cholesterol trong huyết thanh). Cà phê là đồ uống có chứa chất kích thích trung tâm não bộ được tiêu thụ thường xuyên nhất trên toàn thế giới. Vì uống nhiều cà phê nên dù với một lượng nhỏ cũng dẫn đến những hậu quả đáng kể cho sức khỏe. Thông tin về mối liên quan của cà phê Espresso với mức Cholesterol trong huyết thanh sẽ cải thiện các khuyến nghị liên quan đến việc tiêu thụ cà phê".