Trì lạm là gì?
Trì lạm được định nghĩa là tình trạng nền kinh tế cùng lúc có 2 đặc điểm: tăng trưởng chậm chạp nhưng lạm phát lại tăng cao. Thời kỳ những năm 1970 là ví dụ điển hình cho hiện tượng này, khi giá xăng ở Mỹ tăng vọt và tỷ lệ thất nghiệp lên tới 9%. Tuy nhiên kể từ đó đến nay các chuyên gia kinh tế không còn quan tâm nhiều đến trì lạm vì hiện tượng này hầu như không xảy ra nữa.
Nhưng tuần trước Ngân hàng thế giới (World Bank) đã hạ mạnh dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 và cảnh báo trì lạm có thể quay trở lại. Thế giới có thể đối mặt với tình trạng lạm phát cao đi đôi với tăng trưởng èo uột kéo dài tới vài năm.
Trì lạm gây ra nhiều rắc rối cho nền kinh tế. Lạm phát tăng làm xói mòn sức mua, và lực cầu yếu gây tổn hại cho lợi nhuận của các doanh nghiệp, dẫn đến làn sóng sa thải.
Trì lạm cũng là 1 bài toán khó đối với các NHTW bởi mục tiêu chính của họ là giữ cả lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp. Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể tăng lãi suất để kìm chế lạm phát – con đường mà Fed đã bước chân vào và dự định sẽ đi tiếp chí ít là đến hết năm nay. Nhưng nếu Fed hành động quá mạnh mẽ, lãi suất quá cao sẽ ảnh hưởng đến sức mua và đẩy nền kinh tế vào suy thoái.
Người Mỹ xếp hàng mua xăng năm 1974. Ảnh: AP.
Vì sao ở thời điểm hiện tại trì lạm lại là 1 mối nguy?
Tỷ lệ lạm phát của Mỹ đang ở gần mức cao nhất trong 40 năm trở lại đây, và có rất nhiều lý do khiến các chuyên gia kinh tế lo ngại về tăng trưởng kinh tế: căng thẳng ở Ukraine, dịch bệnh ở Trung Quốc và các gián đoạn trên chuỗi cung ứng.
Có phải kinh tế thế giới đã bước vào thời kỳ trì lạm?
Không hẳn. Tỷ lệ lạm phát đang ở mức cao, nhưng tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở gần mức thấp nhất trong 50 năm trở lại đây. GDP Mỹ sụt giảm trong quý I do sản lượng bị đè nặng bởi những đứt quãng về nguồn cung, nhưng hầu hết các chuyên gia kinh tế dự báo GDP sẽ tăng trưởng trở lại trong quý II bởi vì chi tiêu của cả doanh nghiệp và người tiêu dùng đều bật tăng mạnh. Trì lạm là tình trạng cả 2 yếu tố lạm phát cao và tăng trưởng suy giảm kéo dài nhiều quý liên tiếp chứ không phải 1 quý.
Trì lạm vẫn là mối đe dọa đối với kinh tế Mỹ, và có nhiều điểm tương đồng giữa bối cảnh ngày nay và những năm 1970. Giá dầu và thực phẩm tăng cao khiến chi phí sinh hoạt tăng, và các lãnh đạo doanh nghiệp đã lên tiếng lo ngại về triển vọng nền kinh tế.
Tuy nhiên, có 1 điểm khác biệt lớn giữa 2 thời kỳ: tỷ lệ thất nghiệp. Trong những năm 1970 và 1980, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ có lúc lên tới gần 10%. Tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 5/2022 chỉ là 3,6%. Không có làn sóng sa thải trên diện rộng.
Trì lạm khác lạm phát như thế nào?
Lạm phát là tình trạng giá hàng hóa và dịch vụ tăng. Fed cũng muốn nền kinh tế có một chút lạm phát. Cơ quan này đặt ra mục tiêu lạm phát 2%/năm, bởi vì một chút lạm phát là biểu hiện cho thấy lực cầu khỏe mạnh. Tuy nhiên nếu như lạm phát tăng quá nhanh, sức mua của các hộ gia đình sẽ bị bào mòn.
Trì lạm là tình trạng giá cả tăng nhưng lực cầu yếu đi và kinh tế tăng trưởng chậm lại hoặc thậm chí suy giảm. Kết quả là các doanh nghiệp kiếm được ít tiền hơn và cắt giảm việc làm, khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng lên. Tệ hơn, nền kinh tế rơi vào suy thoái.
Hiện tượng trì lạm đã từng xảy ra trước đây?
Trì lạm trong thời kỳ đầu những năm 1970 đến đầu những năm 1980 là do giá hàng hóa tăng mạnh. Lạm phát ở mức 2 con số trong khi tỷ lệ thất nghiệp cao chót vót.
Nghị sĩ Quốc hội Anh Iain Macleodát và được cho là người đầu tiên sử dụng thuật ngữ trì lạm vào năm 1965. "Chúng ta đang đối mặt với những thứ tồi tệ nhất của cả 2 thế giới – một bên là lạm phát và một bên là trì trệ, cả hai đang xảy ra cùng một lúc. Chúng ta đang ở trong tình trạng ‘stagflation’.
Những "hạt giống" trì lạm đã xuất hiện từ cuối những năm 1960, khi cựu Tổng thống Lyndon B. Johnson in quá nhiều tiền để chi cho cuộc chiến tranh ở Việt Nam và chương trình Great Society. Chủ tịch Fed khi đó là William McChesney Martin đã thắt chặt chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát nhưng chính sách của ông không mang lại hiệu quả.
Đầu những năm 1970, cựu Tổng thống Richard Nixon, với sự hậu thuẫn của Chủ tịch Fed Arthur Burns, cố gắng kiềm chế lạm phát bằng các biện pháp kiểm soát tăng lương và tăng giá. Nhưng nhiệm vụ này càng trở nên khó khăn hơn vào năm 1973, sau khi lệnh cấm vận dầu mỏ nhập khẩu từ Arab khiến giá nhiên liệu và sau đó là giá cả tất cả các mặt hàng tăng vọt. Hết lần này đến lần khác, Burns đánh giá quá thấp về áp lực lạm phát. Thậm chí ông còn không nhận ra tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế đã suy yếu. Tồi tệ hơn, làn sóng các baby boomers khi đó còn non trẻ và thiếu kinh nghiệm ồ ạt gia nhập thị trường lao động khiến nước Mỹ khó có thể đưa tỷ lệ thất nghiệp xuống ngang với mức đầu những năm 1960.
Kết quả là, kể cả khi Fed tăng lãi suất và đẩy nền kinh tế vào tình trạng suy thoái nặng nề trong các năm 1974, 1975, lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp vẫn không thể quay trở lại mức của thập kỷ trước đó.
Thời kỳ trì lạm trong những năm 1970 đã kết thúc đầy đau đớn. Năm 1981, Chủ tịch Fed Paul Volcker tăng lãi suất lên mức 20%, châm ngòi cho 1 cuộc suy thoái và tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ lên đến mức 2 con số.
Tham khảo Wall Street Journal