Thông tin này vừa được các đại diện Boeing chia sẻ bên lề sự kiện Diễn đàn Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Việt Nam. Ông Michael Nguyễn, Tổng giám đốc Boeing Việt Nam cho biết trong 30 năm tới, theo dự tính của các chuyên gia, Đông Nam Á sẽ cần tới 4.000 máy bay, trong đó Việt Nam dẫn đầu về nhu cầu này. Boeing muốn trở thành nhà cung cấp chiến lược cho Việt Nam.
Ở chiều ngược lại, Boeing muốn tìm các nhà sản xuất, cung ứng cũng như hợp tác với các trường đại học Việt Nam. Theo ông Michael Nguyễn, hiện tại Boeing có 7 nhà cung cấp đặt cơ sở tại Việt Nam, nhưng chỉ có một công ty của Việt Nam. Về lâu dài, Boeing muốn được làm việc trực tiếp với các nhà cung cấp Việt Nam bởi hiện tại đa phần thông qua các đối tác Nhật Bản, Hàn Quốc.
"Chúng tôi thực sự muốn được làm việc thẳng với các công ty Việt Nam, nhưng doanh nghiệp trong nước cần tập đi trước khi chạy. Chúng tôi rất muốn hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đi nhanh và chạy nhanh", Tổng giám đốc Boeing Việt Nam nói. Với các trường đại học, Boeing mong muốn hợp tác để đào tạo về nhân lực cho các trường về khoa học.
Ông Craug Abler, Giám đốc cấp cao chuỗi cung ứng khu vực châu Á của Boeing cho biết đã giới thiệu với các đối tác Việt Nam về các tiêu chí, chất lượng sản phẩm, thời hạn giao hàng để có thể trở thành nhà cung ứng cho Boeing. Doanh nghiệp Mỹ này cũng sẽ đi thăm các nhà máy tiềm năng và có đội ngũ để hỗ trợ phát triển nhà cung ứng tại Việt Nam.
Theo ông Michael Nguyễn, hiện nay máy bay của Boeing đều có các linh kiện từ Việt Nam như bộ phận phần cánh hay cửa ra vào. Boeing đánh giá nhân viên, chuyên gia người Việt sẽ phát triển tốt khi được quan tâm đúng mức với tố chất cần cù sẵn có. Do đó, hãng muốn theo hướng của Samsung, Intel vào Việt Nam để mở rộng hoạt động.
Samsung đang đặt những nhà máy sản xuất lớn nhất tại Việt Nam và coi đây như quê hương thứ hai sau Hàn Quốc. Với Intel, Việt Nam đã góp phần giúp công ty vượt qua khủng hoảng chip toàn cầu. Intel Products Vietnam (IPV) là nhà máy lắp ráp, kiểm định lớn nhất trong mạng lưới Intel. Với hơn 2.800 nhân viên và nguồn đầu tư 1,5 tỷ USD, đây là công ty công nghệ cao lớn nhất của Mỹ tại Việt Nam.
Boeing bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ năm 1995. Doanh nghiệp này đã có nhiều đóng góp cho ngành hàng không trong nước như hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam về quốc phòng và dịch vụ hàng không thương mại, hỗ trợ Vietnam Airlines đạt được giấy phép bay thẳng không dừng từ TP HCM đến San Francisco (Mỹ)....
Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đề nghị Boeing và các doanh nghiệp Mỹ tiếp tục tăng cường hợp tác đầu tư, chuyển giao công nghệ cho Việt Nam trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, sản xuất và dịch vụ kỹ thuật ngành hàng không như sản xuất linh kiện, bảo dưỡng tàu bay, công nghiệp sản xuất vệ tinh, công nghệ sóng viễn thông...
Đồng thời, ông cũng mong muốn Boeing nghiên cứu phát triển trung tâm đào tạo phi công, chuyên gia, kỹ sư trong lĩnh vực hàng không vũ trụ, cũng như thiết lập cơ sở sản xuất tàu bay tại Việt Nam.