Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) vừa đưa ra triển vọng kinh doanh của CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An (Mã: HAH) trong nửa cuối năm cũng như cả năm 2023.
Cụ thể, trong 6 tháng cuối năm, hoạt động vận tải biển của HAH được nhận định vẫn tích cực nhờ giá cước chịu áp lực giảm nhưng vẫn ở mức cao. Trong đó, giá cước vận tại quốc tế sẽ tiếp tục giảm 10 đến 12% so với cùng kỳ một phần do đây thời điểm bàn giao tàu. Trong khi đó giá cước nội địa đi ngang do nút thắt nguồn cung chưa được tháo gỡ và thị trường cũng không có nguồn cung tàu mới, đồng thời đây là lúc thị trường bước vào mùa cao điểm trong năm.
Sang năm 2023, giá cước nội Á sẽ giảm 15 - 20% so với cùng kỳ do điểm rơi bàn giao các tàu mới. Tuy nhiên, công ty chứng khoán này cho rằng mặt bằng giá cước nội Á vẫn cao hơn 30 - 50% so với mức trước dịch do các tàu mới chủ yếu là các tàu mẹ - phục vụ các tuyến tàu dài từ châu Á đi EU và Mỹ; song song đó là nhu cầu các tuyến nội Á đã cao hơn so với trước dịch do sự chuyển dịch cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang các quốc gia lân cận như Đông Nam Á.
Trong bối cảnh giá cước giảm, BSC cho rằng triển vọng kinh doanh của HAH năm 2023 sẽ phụ thuộc vào việc công ty tăng sản lượng tàu để bù đắp cho giá cước giảm 15 -20% và doanh thu cho thuê định hạn giảm 180 tỷ đồng (tương ứng giảm 27%).
Các chuyên gia dự báo, quy mô đội tàu tự khai thác năm 2023 của HAH sẽ tăng 43%. Tính tới hết quý II, HAH đang sở hữu đội tàu gồm 9 tàu, trong đó, có ba tàu chạy định hạn và 6 tàu tự khai thác. Sang năm 2023, đội tàu tự khai thác dự kiến tăng từ 6 tàu lên 9 -11 tàu, đó là ba tàu HAIAN CITY, HAIAN MIND và HAIAN WEST hết hạn vào tháng 3, tháng 11, tháng 9/2023, và 2 tàu nhận mới từ tháng 10 năm sau.
Song song với việc mở rộng đội tàu, HAH có kế hoạch mở rộng các tuyến đi từ Hải Phòng lên các cảng miền Trung của Trung Quốc (như Thượng Hải, Ningbo) và phía Bắc (như Busan – Hàn Quốc) trong vòng ba năm tới. Tuy nhiên, các nhà phân tích lo ngại rằng việc khai thác hiệu quả đội tàu mới hay không còn phụ thuộc giá, chất lượng, gói dịch vụ đi kèm, quan hệ với hãng tàu mẹ,... của HAH.
Thách thức chính của HAH chính là cạnh tranh cao với các hãng tàu lớn khi thị trường vận tải Nội Á tương đối cô đặc, tập trung vào một số hãng tàu lớn như OOCL, Maersk, Evergreen,... và họ có lợi thế lớn hơn rất nhiều về nguồn hàng và tập khách hàng do khai thác cả các tuyến đi Mỹ, EU.
Yếu tố nữa là HAH chưa có kinh nghiệm triển khai thị trường khu vực này. Trước năm 2021, HAH chỉ khai thác tuyến Hồ Chí Minh - Singapore. Công ty chỉ mới chỉ bắt đầu thực sự đẩy mạnh sang tuyến Nội Á kể từ nửa cuối năm 2021.
Trong diễn biến khác, HAH đang tham gia vào liên doanh ZIM – HAH, do đó, có thể học được cách triển khai các tuyến nội Á từ hãng tàu ZIM. Bên cạnh đó, số liệu cho thấy HAH đang khai thác các tuyến Hải Phòng – NanSha có sản lượng tốt và nhu cầu tuyến này được kỳ vọng này sẽ tiếp tục tăng trong năm 2023.
Dự phóng kết quả kinh doanh cho cả năm 2022, HAH có thể ghi nhận doanh thu thuần khoảng 3.128 tỷ đồng, tăng 60% so với năm 2021, trong đó hoạt động khai thác cảng tăng trưởng 4% lên 222 tỷ, còn hoạt động vận tải biển là 2.750 tỷ đồng, tăng trưởng trên 46% nhờ giá cước và đóng góp của các tàu. Biên lãi gộp kỳ vọng đạt 49%, tăng 14,5 điểm % so với năm ngoái.
Trong năm 2023, dựa trên giả định giá dầu bình quân 90 USD/thùng, BSC dự báo doanh thu thuần của HAH có thể đạt 3.656 tỷ, tăng 3%, trong đó hoạt động vận tải biển tự khai thác đóng góp 2.238 tỷ đồng, tăng trưởng 23% nhờ có thêm các tàu mới. Biên lợi nhuận khoảng 40%, giảm 9,9 điểm % so với 2022, chủ yếu do giá cước giảm mạnh hơn giá dầu và chi phí khấu hao tăng.