Trong báo cáo mới phát hành, Công ty chứng khoán Bảo Việt cho biết, tính đến ngày 19-8, đồng tiền của nhiều nước đang có diễn biến mất giá mạnh so với đồng USD.
Đơn cử như đồng Won của Hàn Quốc mất giá 10,33%, đồng Nhân dân tệ mất giá 6,77%, Baht Thái mất giá 6,36%. Trong khi đó, tiền đồng đang có mức mất giá khoảng 2,48%.
Theo IMF, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã giảm xuống còn 102,89 tỉ USD tính tới cuối tháng 5. So với cuối năm 2021, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã giảm khoảng 4,5 tỉ USD.
Việc Ngân hàng Nhà nước giảm dự trữ ngoại hối từ đầu năm tới nay cũng đã giúp cho tiền đồng không bị mất giá quá nhiều trước diễn biến tăng giá mạnh của đồng USD.
Thạc sĩ Phan Minh Hòa, Giảng viên Kinh tế Đại học RMIT đánh giá, khi đồng USD tăng giá, doanh thu xuất khẩu sang Mỹ của Việt Nam (quy đổi từ USD sang đồng Việt Nam) sẽ tăng, giúp cho doanh nghiệp xuất khẩu hưởng lợi, gia tăng doanh thu và lợi nhuận tính bằng đồng Việt Nam.
Đồng USD tăng giá cũng khiến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam trở nên có tính cạnh tranh hơn trên thị trường Mỹ, khiến lượng hàng hóa bán ra được nhiều hơn.
"Ngoài ra, có một điểm cần lưu ý là với một số mặt hàng, để xuất khẩu, doanh nghiệp cần nhập khẩu nhiều nguyên phụ liệu. Vì vậy nếu USD tăng giá, khiến cho doanh thu xuất khẩu bằng USD được lợi thì chi phí nhập khẩu, chi phí vận tải, logistics, kho bãi, vay nợ bằng USD cũng tăng.
Vì vậy, việc đánh giá được mất sẽ tùy thuộc vào tình hình cụ thể của mỗi doanh nghiệp. Nhìn rộng ra, bên cạnh tỉ giá, điều đáng ngại hơn cho xuất khẩu là triển vọng không mấy sáng sủa của kinh tế thế giới, với việc lạm phát gia tăng, nguy cơ suy thoái và người tiêu dùng các nước buộc phải thắt chặt dần chi tiêu" - thạc sĩ Phan Minh Hòa cho biết.