Liên quan đến vấn đề thời hạn sử dụng nhà chung cư 50-70 năm, tại họp báo thường kỳ Bộ Xây dựng, ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, năm 2014, Quốc hội thông qua sửa luật Nhà ở. Thời điểm đó, đặt ra 2 tình huống là quy định sở hữu nhà chung cư có thời hạn hay lâu dài.
Ông Khởi chia sẻ, lúc đó có nhiều ý kiến đồng tình quy định sở hữu nhà chung cư nên có thời hạn. Theo ông, vấn đề thời hạn nhà chung cư không mới với nhiều nước trên thế giới, mỗi quốc gia có quy định khác nhau, có nước 30 năm, 99 năm, 199 năm hoặc để 2 phương án...
Còn đối với Việt Nam, dù sao nhà và đất liên quan đến nhau, trong Luật Đất đai quy định thời hạn sử dụng đất lâu dài, người dân hiểu với nghĩa vĩnh viễn. Do vậy, Quốc hội đã đề nghị tiếp tục nghiên cứu, tính toán đến tác động của chính sách.
Ông Khởi cho hay, hiện nhiều cơ quan ban ngành, địa phương, trong đó có Bộ Xây dựng, đang nỗ lực đẩy mạnh cải tạo nhà chung cư cũ. Tuy nhiên, nhiều năm qua vẫn trì trệ và một trong những nguyên nhân là vấn đề sở hữu vĩnh viễn.
Nhiều người cho rằng, sở hữu nhà ở vĩnh viễn nên khi nhà hết niên hạn rồi nhưng phá hay không phá là quyền của họ nên triển khai tái thiết nhà chung cư cũ đang rất khó thực hiện, ông Khởi nói.
Sau 7 năm thực hiện luật Nhà ở 2014, lãnh đạo Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản thông tin, mới đây, khi đề xuất hồ sơ xây dựng luật, trình lên Chính phủ, Bộ Xây dựng đã đề xuất 2 phương án.
Phương án 1, thời hạn sở hữu nhà chung cư được xác định theo thời hạn sử dụng công trình. Ông Khởi giải thích thêm, thời hạn sử dụng công trình không đồng nghĩa là 50 năm hay 70 năm mà phụ thuộc vào sự tính toán trên hồ sơ thiết kế và quá trình sử dụng, có thể kéo dài hơn ngần ấy năm. Quyền sở hữu nhà của người dân cũng có thể kéo dài hơn. Ông khẳng định Bộ Xây dựng chưa nói là sẽ chỉ 50-70 năm mà phụ thuộc vào nhiều cấp loại nhà.
Phương án 2 là sở hữu theo thời hạn sử dụng đất. Theo ông Khởi, mới đây Chính phủ cho biết sẽ báo cáo 2 phương án nêu trên ra Quốc hội để xem xét.
Về vấn đề báo chí đặt ra đề xuất này có phù hợp Hiến pháp hay không, ông Khởi cho biết đều có ý kiến của Bộ Tư pháp về vấn đề này. Đối với quy định Hiến pháp, chỉ hạn chế quyền chủ sở hữu khi nó ảnh hưởng đến tính mạng, an toàn. Và chung cư này liên quan đến rất nhiều tính mạng, tài sản.
Ông cũng cho biết, Bộ luật dân sự quy định rõ quyền sở hữu chấm dứt khi tài sản bị tiêu hủy theo quy định của pháp luật. Do vậy, vị này khẳng định đề xuất niên hạn nhà chung cư hoàn toàn phù hợp với quy định pháp luật.
"Qua một số nước chúng tôi có khảo sát, hầu hết đều có quy định về thời hạn, chỉ là thời hạn khác nhau. Với Việt Nam, đến thời điểm hiện nay, Bộ Xây dựng cho rằng đến lúc cần thiết đưa ra. Đây là đề xuất chính sách, sau khi Quốc hội đồng ý cho phép luật Nhà ở vào thì trong quá trình nghiên cứu sẽ lấy ý kiến rộng rãi. Quan điểm của Bộ là bảo quyền lợi hợp pháp, tránh xáo trộn tối đa cho người dân. Chúng tôi sẽ nghiên cứu kỹ", ông Khởi nhấn mạnh.
Tuy nhiên về vấn đề này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, hiện nay chưa nên áp dụng việc chung cư có thời hạn mà chỉ giới hạn thời gian sử dụng chung cư khi công trình này xuống cấp nghiêm trọng với sự giám định chất lượng kỹ lưỡng. Tâm lý của đa số người Việt đều muốn sở hữu nhà ở lâu dài và thói quen sử dụng nhà chung cư chỉ mới được định hình trong một thập niên trở lại đây. Vì thế, đề xuất này có thể khiến thị trường chung cư suy giảm.
Chủ tịch HoREA cũng cho rằng đối với nhà chung cư hết niên hạn sử dụng, cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh phải kiểm định chất lượng công trình nhưng vẫn phải bảo đảm quyền sở hữu căn hộ, diện tích xây dựng khác và quyền sử dụng đất của các chủ sở hữu nhà chung cư theo quy định về đất đai, về nhà ở.
"Tuy nhiên, không vì lý do nhà ở, công trình xây dựng có niên hạn sử dụng mà lại đề xuất thêm quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư", ông Châu nói.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng khẳng định, niên hạn nhà chung cư là vấn đề lớn liên quan đến vấn đề sở hữu của người dân. Đây mới đề xuất, chính sách trong nhiều nội dung mới có nội dung này sau đó mới nghiên cứu các quy định cụ thể.