Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 25/4, giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết liên quan đến thể chế, Chính phủ thực hiện 3 khâu đột phá. Bộ Tài chính năm 2021 tham mưu cho Chính phủ ban hành 43 nghị định và 126 thông tư.
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc
“Hôm nay chúng ta ban hành nghị định này thì mấy năm sau lại bất cập với thực tiễn, lại phải sửa. Hiện nay chúng tôi đang sửa Nghị định về vấn đề phát hành trái phiếu riêng lẻ. Chúng ta có Luật Chứng khoán và Nghị định 153, ban hành đã tiếp cận với điều kiện phát hành và mọi điều kiện của thế giới.
Tuy nhiên, sau khi ban hành lại thể hiện lỗ hổng, đã có những vi phạm trong thực tiễn nên cần phải siết lại. Chúng tôi đã nhận ra sự sơ hở này. Khi tôi về làm Bộ trưởng Tài chính, tôi quan sát thấy vấn đề này có lỗ hổng. Tôi yêu cầu cảnh báo trên phương tiện thông tin đại chúng, đã ra 5 thông cáo báo chí và đã có 4 cuộc trao đổi trên VTV, đồng thời có các diễn đàn báo chí, các báo chí đăng tin về những rủi ro đối với phát hành thị trường trái phiếu riêng lẻ của doanh nghiệp”, Bộ trưởng Tài chính bày tỏ.
Cũng theo ông Phớc, Bộ Tài chính đã có 3 văn bản chấn chỉnh và yêu cầu thanh tra. “Vừa rồi chúng ta có động thái xử lý nghiêm. Chúng tôi thấy đây là một vấn đề cần phải xử lý để làm trong sạch thị trường và đi vào nề nếp nhưng đồng thời cũng phải sửa các quy định của pháp luật", ông Phớc nói.
Trước đó, cơ quan thẩm tra cho rằng trong năm 2021, thông tin thị trường bất động sản chưa đầy đủ, thiếu minh bạch, giá bất động sản tăng bất thường tại một số nơi. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển mạnh nhưng có dấu hiệu “nóng”; tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, có doanh nghiệp “lách luật” phát hành trái phiếu sai quy định.
Cũng tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn lại thông tin báo chí phản ánh năm 2021, huy động trái phiếu doanh nghiệp lên đến hơn 700.000 tỷ đồng, trong đó 44% liên quan đến lĩnh vực bất động sản. Trước đây, các doanh nghiệp lấy trái phiếu hoặc đi vay tiền để trả nợ. Nhưng đến nay, việc đi vay đã bị siết chặt, cùng đó là tác động của dịch bệnh, dẫn đến việc doanh nghiệp không có dòng tiền để trả nợ.
“Đến hạn trả được nợ, doanh nghiệp phải rao bán cả dự án để trả nợ. Nhưng dự án cũng chưa đủ cơ sở pháp lý để bán. Nếu không có đầy đủ pháp lý, liệu có ai mua dự án không khi doanh nghiệp đang vướng vào sai phạm. Nếu không trả được các khoản nợ thì vỡ nợ thôi”, Chủ tịch Quốc hội nói.