Bộ trưởng Lê Minh Hoan tham gia tái thả gà lôi trắng Lophura nycthemera về rừng - Ảnh: CHÍ TUỆ
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chia sẻ như vậy khi phát biểu tại hội nghị thực trạng và phát triển bền vững các vườn quốc gia do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tổ chức chiều 12-8.
Theo ông Hoan, các vườn quốc gia đang chăm sóc phúc lợi cho động vật dưới rừng nhưng lại không chăm sóc phúc lợi cho người giữ rừng để lực lượng kiểm lâm "ra nhiều hơn vào".
"Chúng ta cần có tư duy làm sao thực sự là rừng vàng, nuôi sống được người giữ rừng" - ông Hoan nói.
Theo ông Hoan, muốn có giải pháp thì phải có cách tiếp cận đúng, nếu tiếp cận ở góc độ bảo vệ, bảo tồn thì giải pháp cũng là bảo tồn, tiếp cận ở góc độ phát triển thì sẽ có giải pháp phát triển, nếu tiếp cận phát triển bền vững thì tìm ra giải pháp phát triển bền vững.
"Hội nghị để bộ thu thập thêm các ý tưởng, sáng kiến để sau hội nghị này bộ sẽ có một việc làm lớn hơn" - ông Hoan chia sẻ và cho biết mỗi bước đi thì phải thống nhất cách tiếp cận, không tiếp cận theo hướng chụp giật để kiếm tiền nuôi bộ máy.
"Cần tiếp cận theo hướng làm sao để dòng người đến chiêm ngưỡng, trải nghiệm những gì mà thiên nhiên ban tặng cộng với thành quả mà chúng ta đang giữ gìn, bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học. Nếu tư duy ngược lại, người ta nói rằng 'ăn của rừng thì rưng rưng nước mắt, đừng bóc lột rừng'" - ông Hoan chia sẻ.
Ông cũng nhấn mạnh việc cân bằng giữa bảo vệ, bảo tồn và phát triển các vườn quốc gia cần phải có cách tiếp cận phù hợp.
"Thay vì tư duy làm du lịch để kiếm tiền thì du lịch có thể là cách để tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá về tài nguyên của Việt Nam cho bạn bè thế giới. Đây có thể là cách tiếp cận tích cực, được ủng hộ và phù hợp trong giai đoạn hiện nay".
Hội nghị thực trạng và phát triển bền vững các vườn quốc gia được tổ chức tại Vườn quốc gia Cúc Phương chiều 12-8 - Ảnh: CHÍ TUỆ
Tại hội nghị, nguyên thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Công Tuấn kiến nghị việc bảo tồn các vườn quốc gia phải đặt con người làm trung tâm, bởi mục đích cuối cùng là phát triển bền vững.
Các vườn quốc gia không cần nhất nhất vườn nào cũng có trung tâm cứu hộ, cần hướng tới tái thả tự nhiên và chỉ tập trung vào các loài đặc biệt nguy cấp quý hiếm nhưng mang tính đặc hữu của Việt Nam và theo từng vùng miền.
"Cần dứt khoát quan điểm từ nay trở đi các vườn quốc gia, các khu rừng đặc dụng không chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng sang cho tổ chức có mục đích ngoài du lịch sinh thái, 'như thế mất cả chì lẫn chài'" - ông Tuấn nhấn mạnh.
Trong chuyến đi này, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng tham quan một số trung tâm cứu hộ, chăm sóc động vật tại Vườn quốc gia Cúc Phương và tham gia tái thả động vật về rừng.
Động vật tái thả hôm nay bao gồm 4 gà lôi trắng Lophura nycthemera (nhóm IB nghị định 06/2019/NĐ-CP; nguồn gốc nhân nuôi sinh sản bảo tồn) và 1 trăn hoa Python molurus (nhóm IIB, nghị định 06/2019, nguồn gốc hoang dã do người dân chuyển giao để cứu hộ bảo tồn).