Trăng sáng trong một đợt siêu trăng trước đây - Ảnh: REUTERS
Theo thành viên của Hội Thiên văn Hà Nội, năm 2022 chứng kiến các lần siêu trăng vào tháng 5, tháng 6, tháng 7 và tháng 8 (Dương lịch). Tháng 8 này cũng sẽ là lần siêu trăng cuối cùng của năm nay.
Nhà vật lý thiên văn đã nghỉ hưu của NASA Fred Espanak giải thích hiện tượng siêu trăng xảy ra khi Mặt Trăng di chuyển ở quỹ đạo gần Trái Đất nhất.
Siêu trăng thường kéo dài từ 2-5 kỳ trăng tròn, cũng là lý do vì sao có những đợt siêu trăng diễn ra liên tiếp.
Khi siêu trăng xảy ra, những người quan sát từ Trái Đất có thể nhìn thấy trăng to hơn khoảng từ 7-14% và sáng hơn 30% so với những ngày rằm thông thường.
Tuy nhiên theo sách niên giám Old Farmer's Almanac, để thực sự so sánh độ lớn của Mặt Trăng trong siêu trăng và những kỳ trăng tròn thông thường, người xem nên cảm nhận những lúc Mặt Trăng mọc hoặc lặn.
Thời điểm tốt nhất để quan sát siêu trăng thường là lúc bầu trời hoàng hôn chuẩn bị chuyển sang tối.
Khi đó, hiện tượng "ảo ảnh Mặt Trăng" có thể xuất hiện nhờ các điều kiện quang học tạo thành, làm cho trăng mới mọc càng to hơn thực tế.
Mưa sao băng Perseids - Ảnh: SPACE
Tình cờ, hiện tượng siêu trăng tháng 8 lại cùng ngày với mưa sao băng Perseids từ chòm sao Anh Tiên.
Vì thế, siêu trăng có thể sẽ "lấn át" hiện tượng mưa sao băng. Nghĩa là độ sáng của Mặt Trăng khiến những vệt sao băng trên bầu trời trông mờ nhạt hơn và cũng khó nhìn thấy hơn từ mặt đất.
Tuy nhiên, do Perseids là trận mưa sao băng lớn nên vài ngày sau trăng rằm, những người yêu thích thiên văn vẫn có thể nhìn ngắm. Khi đó, các sao băng vẫn còn khá lung linh so với lúc đạt đỉnh.