Năm 2022 và sang cả 2023 Việt Nam chịu sức ép rất lớn từ cuộc chạy đua thắt chặt tiền tệ của các nước. Phần lớn các nước đã lựa chọn hy sinh tăng trưởng để kìm hãm lạm phát bằng các biện pháp thắt chặt, tăng lãi suất.
Có thể thấy, việc lựa chọn chính sách tiền tệ và tài khóa trong trạng thái kinh tế lạm phát cao, rủi ro vĩ mô lớn, sản xuất đình trệ, là rất phức tạp, khó khăn và thách thức. Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu phải đảm bảo các cân đối lớn, giữa kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng, giữa điều hành lãi suất và ổn định tỷ giá,..
Trả lời báo chí xoay quanh vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho rằng, năm 2022, nhiều nền kinh tế trên thế giới có sự điều chỉnh trong quan điểm điều hành chính sách, đó là chuyển từ nới lỏng sang thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất nhằm ưu tiên kiểm soát lạm phát thay vì phục hồi kinh tế.
Xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục kéo dài trong năm 2023, nhất là khi Fed và nhiều ngân hàng trung ương vẫn đang cho thấy những tín hiệu, động thái tương đối thận trọng với lạm phát, thậm chí chấp nhận rủi ro suy thoái kinh tế cho tới khi lạm phát được kiểm soát.
Trong điều kiện như vậy, áp lực điều hành chính sách vĩ mô đối với Việt Nam là rất lớn, cần phải cân đối hợp lý giữa tỷ giá và lãi suất, giữa tăng trưởng và kiểm soát lạm phát. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, cần phải chú ý đến đặc điểm của nước ta là nước đang phát triển nên cần quan tâm hơn đến việc duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế hợp lý.
Bộ trưởng cho biết, thời gian qua, Chính phủ đã đã điều hành chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa theo hướng phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa, linh hoạt và kịp thời thích ứng với các diễn biến bất định, rủi ro của thị trường trong nước và quốc tế.
Điều chỉnh linh hoạt tỷ giá, lãi suất; tăng trưởng tín dụng hợp lý; kiểm soát tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; đảm bảo kịp thời cung ứng vốn cho nền kinh tế; đồng thời triển khai các chính sách hỗ trợ thuế, phí có tác động trực tiếp giảm chi phí, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và ổn định đời sống người dân.
Mặt bằng giá cả cơ bản được giữ ổn định, bảo đảm cân đối cung cầu, nhất là các mặt hàng, dịch vụ thiết yếu phục vụ cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng.
Trong thời gian tới, để đưa nền kinh tế vượt qua những khó khăn, thách thức, các chính sách phải phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa, không triệt tiêu mà bổ sung cho nhau, thúc đẩy hiệu quả tổng thể của các chính sách, nhất là khi dư địa điều hành chính sách đang có xu hướng thu hẹp dần lại.
Đồng thời, nghiên cứu, rà soát, tháo gỡ những “nút thắt” giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, tạo điều kiện thuận lợi để các chính sách vận hành và phối hợp đồng bộ, hiệu quả. Cũng như, tiếp tục phát huy hiệu quả các cơ chế phối hợp, trao đổi thông tin giữa các bộ, ngành để phục vụ công tác xây dựng, điều hành các mục tiêu phát triển vĩ mô; nâng cao năng lực phân tích, đánh giá diễn biến kinh tế vĩ mô thế giới và trong nước, kịp thời tham mưu, đề xuất nhiều chính sách, giải pháp phù hợp.
Nâng cao năng lực chống chịu của nền kinh tế
Để nâng cao năng lực chống chịu của nền kinh tế, theo Bộ trưởng, trong bối cảnh tình hình thế giới, trong nước dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, khó khăn, thách thức nhiều hơn, để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đặt ra, chúng ta cần quyết liệt, tập trung đẩy mạnh và triển khai nhanh hơn các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của năm 2023.
Nền kinh tế của Việt Nam có quy mô còn khá khiêm tốn, khả năng thích ứng, chống chịu trước những cú sốc đến từ bên ngoài còn hạn chế nhưng lại có độ mở lớn, dễ bị ảnh hưởng từ các biến động, dù là nhỏ của thế giới.
Do đó, việc nâng cao năng lực chống chịu, tính tự cường của nền kinh tế, tạo tiền đề xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với nước ta trong tình hình mới.
Đây là một định hướng, chủ trương nhất quán, xuyên suốt, được xác định rõ trong các nghị quyết, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội mà Đảng, Nhà nước đề ra.
Bộ trưởng cho rằng, cần kiên định, nhất quán với với quan điểm, mục tiêu, định hướng chỉ đạo điều hành của Đảng, Nhà nước; đó là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; điều hành đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô, phù hợp với tình hình thực tiễn.
Tiếp tục chú trọng, nâng cao công tác hoàn thiện thể chế, thực thi pháp luật, tạo điều kiện khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển. Tạo chuyển biến rõ nét trong thực hiện các đột phá chiến lược về thể chế, nguồn nhân lực và hệ thống kết cấu hạ tầng.
Tập trung cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường. Củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định, trật tự, an toàn xã hội để phát triển đất nước.