Trong khuôn khổ chương trình "Ngày không tiền mặt 2024", chiều ngày 14/6, hội thảo "Nâng cao bảo mật, an toàn giao dịch không tiền mặt" đã diễn ra tại TP Hồ Chí Minh do Vụ Thanh toán, Vụ Truyền thông Ngân hàng Nhà nước (NHNN), báo Tuổi Trẻ phối hợp với Công ty cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas), Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh tổ chức.
Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, sự phát triển không ngừng của các hình thức, phương tiện thanh toán mới, thanh toán trực tuyến, thanh toán qua Internet, điện thoại di động… đã giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, đảm bảo minh bạch các hoạt động thanh toán phục vụ nhu cầu chi trả hàng ngày của toàn xã hội.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của thanh toán không dùng tiền mặt đối với đời sống xã hội, trong những năm qua, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Kho bạc Nhà nước và các đơn vị thuộc Bộ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực tài chính.
"Trước đây, Kho bạc nào của chúng tôi cũng có kho chứa tiền, xe chở tiền và lực lượng bảo vệ để chở tiền; nhưng nay thanh toán không tiền mặt, kho để không, xe chở tiền bán đấu giá hết", Bộ trưởng nhấn mạnh về sự tiên phong của Bộ Tài chính trong việc đẩy mạnh thanh toán không dung tiền mặt.
Theo Bộ trưởng, Bộ Tài chính đã tích cực tham mưu hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, tăng cường quy định các khoản thu – chi ngân sách bắt buộc phải thực hiện qua tài khoản và thu hẹp các khoản chi dùng tiền mặt.
Về thu ngân sách, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan và Kho bạc Nhà nước đang không ngừng mở rộng phối hợp thu ngân sách với các ngân hàng thương mại. Kết quả, đến nay hơn 99% giao dịch thu ngân sách đã thực hiện theo các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Về chi ngân sách Nhà nước, Kho bạc Nhà nước đã hoàn thành cung cấp dịch vụ công mức độ 4 đối với tất cả các thủ tục hành chính và tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; đồng thời triển khai trên diện rộng việc thanh toán tự động các khoản chi như điện, nước, viễn thông… theo văn bản ủy quyền của đơn vị.
"Đến nay đã có 40.000 đơn vị sử dụng ngân sách ủy quyền cho Kho bạc Nhà nước tự động thanh toán các khoản chi như điện, nước, viễn thông… trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến với tổng số tiền thanh toán khoảng 3.000 tỷ đồng" - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc thông tin.
Về vấn đề bảo mật, từ năm 2013, Kho bạc Nhà nước đã sử dụng 100% chữ ký số giữa Kho bạc Nhà nước với các đơn vị sử dụng ngân sách và Ngân hàng thương mại. Năm 2023, tỷ lệ thu - chi ngân sách Nhà nước bằng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt chiếm 99,93% tổng thu ngân sách qua Kho bạc Nhà nước. Tỷ lệ chi ngân sách bằng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt cũng chiếm 99,9% tổng chi ngân sách qua Kho bạc Nhà nước.
Hiện cơ quan thuế đã kết nối nộp thuế điện tử với 57 ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam và triển khai đa dạng các hình thức nộp thuế điện tử như eTax, eTax Mobile, nộp qua Tổ chức cung cấp dịch vụ về thuế GTGT, hoặc nộp qua các dịch vụ ngân hàng.
"Khi nộp tiền vào ngân hàng, hệ thống ngân sách Nhà nước lập tức ghi nhận thay vì phải chờ qua đêm như trước đây, giúp việc theo dõi ngân sách kịp thời hơn", ông Phước chia sẻ.
Theo thống kê của ngành thuế, trên 99% số doanh nghiệp đang hoạt động đã tiến hành giao dịch nộp thuế điện tử.
Trong giai đoạn 2021 - 2023, số lượng giao dịch nộp thuế điện tử tăng trưởng trung bình 10% mỗi năm. Trong đó, các tổ chức, doanh nghiệp chủ yếu nộp thuế qua dịch vụ thuế điện tử eTax năm 2023 là 866.468 tỷ đồng và hơn 4,8 triệu USD. Cá nhân giao dịch thuế điện tử eTax mobile đạt khoảng 920.110 giao dịch, tương ứng với gần 2.646 tỷ đồng.
"Những kết quả kể trên đã khẳng định sự tiên phong của Bộ Tài chính trong việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt. Hiện cơ bản đã hình thành thói quen của người nộp thuế trong việc áp dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt" - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhận định.