Kinh doanh

Bộ trưởng Công Thương chịu trách nhiệm toàn diện về cung ứng điện

Tóm tắt:
  • Thủ tướng yêu cầu bảo đảm cung ứng đủ điện cho sản xuất, đời sống nhân dân.
  • Bộ trưởng Công Thương chủ trì triển khai Quy hoạch điện VIII trước 10/5.
  • Các dự án nguồn điện và truyền tải cần đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành trong năm 2025.
  • Năng lượng từ các hồ thủy điện phải được sử dụng hợp lý, ưu tiên phát điện cao điểm.
  • Các tập đoàn liên quan cần phối hợp chặt chẽ, bảo trì vận hành ổn định, tránh thiếu hụt nguồn điện.

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 49/CĐ-TTg về việc triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm cung ứng điện trong thời gian cao điểm năm 2025 và thời gian tới.

Công điện nhấn mạnh, bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, cung ứng đủ điện là một trong những yếu tố nền tảng và quyết định thực hiện thành công các mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội của đất nước.

Bộ trưởng Công Thương chịu trách nhiệm toàn diện về cung ứng điện ảnh 1

Ảnh minh họa.

Để kịp thời đáp ứng nhu cầu điện trong những tháng cao điểm năm 2025 (các tháng 5, 6, 7) và thời gian tới, đảm bảo không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công Thương khẩn trương tổ chức triển khai Quy hoạch điện VIII điều chỉnh, kịp thời ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII điều chỉnh, để triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong quy hoạch, hoàn thành trước ngày 10/5.

Bộ trưởng Công Thương chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm cung ứng đủ điện phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát việc vận hành và đôn đốc triển khai các dự án nguồn điện, chuẩn bị tốt nhất phục vụ phát điện những tháng cao điểm.

Về các dự án nguồn điện, Bộ Công Thương cần tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, công trình dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng đã có trong quy hoạch. Trong đó, khẩn trương đưa vào vận hành Nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) Nhơn Trạch 3 trong tháng 6/2025; NMNĐ Nhơn Trạch 4 vào vận hành trong tháng 8/2025; hòa lưới Tổ máy số 1 dự án NMNĐ Quảng Trạch 1 vào trước ngày 2/9; đưa Tổ máy số 1 dự án Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng vào vận hành trong tháng 8/2025, Tổ máy 2 vận hành vào tháng 10/2025.

Về các dự án truyền tải điện, Bộ Công Thương cần tập trung đảm bảo tiến độ thực hiện các dự án truyền tải, thực hiện các giải pháp cấp bách về truyền tải, mua điện từ nước ngoài, như dự án Đường dây 500 kV Lào Cai - Vĩnh Yên, các công trình đường dây 500kV Hải Phòng-Thái Bình, Than Uyên - Lào Cai đảm bảo hoàn thành trước ngày 2/9.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan và địa phương liên quan, chỉ đạo chủ các hồ chứa thủy điện tính toán, lập kế hoạch lấy nước cụ thể từ các hồ chứa thủy điện phục vụ sản xuất nông nghiệp, trong đó ưu tiên dành nguồn nước dự phòng tối đa để phát điện trong thời gian cao điểm, tăng cường các giải pháp sử dụng nước tiết kiệm.

Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&MT tăng cường giám sát, dự báo tình hình thời tiết, thiên tai, theo dõi sát tình hình khí tượng, thủy văn để kịp thời cung cấp thông tin chính xác phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành.

"Bộ trưởng Bộ Tài chính chỉ đạo, giám sát EVN, TKV, PVN tăng cường phối hợp hiệu quả, tổ chức thực hiện tốt các hợp đồng mua bán điện, cung cấp than, cung cấp khí, tất cả vì mục tiêu chung, vì lợi ích quốc gia dân tộc, không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; chịu trách nhiệm về công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc vận hành ổn định và khắc phục nhanh các sự cố (nếu có) đối với các nguồn điện của EVN, PVN và TKV", công điện nêu.

Chủ tịch, tổng giám đốc các tập đoàn: Điện lực Việt Nam, Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam, Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và Tổng công ty Đông Bắc được giao nhiệm vụ tập trung triển khai nhanh, quyết liệt các dự án nguồn và lưới điện được giao làm chủ đầu tư bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả và bảo vệ môi trường. Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ khó khăn trong giải phóng mặt bằng, đấu nối, đầu tư nguồn và lưới điện.

Thủ tướng cũng yêu cầu chỉ đạo các nhà máy điện thuộc phạm vi quản lý của Tập đoàn làm tốt công tác chuẩn bị sản xuất, kịp thời khắc phục các sự cố, bảo đảm hiệu quả vận hành và có thể huy động tối đa công suất phát điện trong những tháng cao điểm năm 2025, tuyệt đối không được để xảy ra tình trạng thiếu nhiên liệu (than, khí, dầu) đối với các nhà máy nhiệt điện và thiếu hụt nước các hồ thủy điện theo quy trình vận hành hồ chứa được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Các tin khác

Vì sao nhiều người rút tiền gửi ngân hàng?

Lãi suất huy động giảm khiến việc gửi tiết kiệm trở nên kém hấp dẫn và dòng tiền dần rút khỏi ngân hàng. Các ngân hàng phải tìm cách xoay xở để thu hút nguồn vốn phục vụ nền kinh tế.

Việt Nam cần sớm có Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân

Dù đều thống nhất Việt Nam cần sớm có Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp cũng lo ngại về những thách thức để tuân thủ luật này và đề xuất điều chỉnh dự luật cho phù hợp, khả thi hơn.

Chủ tịch BSR: Đang kiến nghị PVN thoái vốn để tránh rủi ro huỷ niêm yết, muốn tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược

Lãnh đạo Lọc hoá dầu Bình Sơn cho biết trong giai đoạn tới, công ty sẽ đi làm việc trực tiếp với các nhà đầu tư có tiềm năng về dầu thô, tài chính để mời tham gia vừa đầu tư, thu xếp tài chính vừa cung cấp dầu thô cho dự án nâng cấp và các dự án khác trong tương lai.

Sử gia, phi công Mỹ nói về B-52 bị Việt Nam bắn rơi: Tổn thất chiến thuật, hệ quả chiến lược

Đến nay, Việt Nam vẫn là quốc gia duy nhất bắn rơi B-52 trong chiến đấu, một biểu tượng sống động của tinh thần kháng chiến và nghệ thuật phòng không hiện đại. Giáo sư Mark Clodfelter, tác giả cuốn "The Limits of Air Power" (Giới hạn của sức mạnh không quân), đánh giá sự kiện pháo đài bay bị bắn hạ là bước ngoặt trong tư duy chiến lược Mỹ.