Tài chính

Bộ Tài chính yêu cầu bảo hiểm tạm ứng bồi thường vụ tai nạn trực thăng

Trong văn bản về việc báo cáo tình hình thiệt hại và bồi thường bảo hiểm trực thăng gặp tai nạn ở vịnh Hạ Long, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đề nghị Tổng công ty Bảo hiểm PVI khẩn trương chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan và tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm bị thiệt hại về người và tài sản do vụ tai nạn gây ra.

Theo đó, PVI và cơ quan, tổ chức, cá nhân phối hợp đánh giá mức độ thiệt hại, xác định phạm vi bồi thường bảo hiểm và thực hiện thủ tục giải quyết tạm ứng bồi thường, bồi thường bảo hiểm nhanh chóng, kịp thời, đầy đủ cho người tham gia bảo hiểm theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm và quy định pháp luật. Đồng thời, báo cáo kết quả về Cục Quản lý giám sát bảo hiểm trước ngày 10/4/2023.

Bộ Tài chính yêu cầu bảo hiểm tạm ứng bồi thường vụ tai nạn trực thăng - 1

Một máy bay trực thăng chở khách thăm vịnh Hạ Long (ảnh minh họa: Hoàng Dương).

Trước đó, ngày 7/4, Tổng công ty Bảo hiểm PVI cho biết là nhà bảo hiểm gốc đứng tên trong liên danh bảo hiểm cho máy bay của Tổng Công ty trực thăng Việt Nam. Chương trình bảo hiểm gồm: Bảo hiểm thân máy bay, bảo hiểm trách nhiệm pháp lý của hãng đối với hành khách và bên thứ ba, bảo hiểm tai nạn cho phi công.

Ngày 5/4, máy bay Bell 505 số đăng ký VN-8650 cất cánh từ đảo Tuần Châu, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh đã gặp sự cố làm 4 hành khách và 1 phi công thiệt mạng. Đến nay, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy thi thể các nạn nhân và làm thủ tục bàn giao cho gia đình mai táng. Với vai trò nhà bảo hiểm gốc đứng đầu, được biết PVI đã có mặt tại hiện trường, phối hợp chặt chẽ với VNH và cơ quan chức năng để kịp thời giải quyết các vấn đề liên quan theo đúng quy định của hợp đồng bảo hiểm và pháp luật hiện hành.

Năm 2016, PVI bồi thường 3,5 triệu USD cho toàn bộ thân máy bay trực thăng gặp tai nạn ở Vũng Tàu. Cụ thể, ngày 18/10/2016, máy bay trực thăng của Trung tâm Huấn luyện bay (Công ty Trực thăng miền Nam) bị rơi tại núi Dinh, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khiến 3 phi công hy sinh. PVI bồi thường bảo hiểm 3,5 triệu USD tổn thất toàn bộ thân máy bay trực thăng EC-130T2 số hiệu VN-8632, thuộc Trung tâm Huấn luyện bay - Công ty Trực thăng miền Nam, Tổng Công ty Trực thăng Việt Nam.

Trước khi tai nạn xảy ra, có đơn vị lữ hành chào bán tour du lịch trực thăng ngắm Vịnh Hạ Long với mức cam kết bồi thường thiệt hại cho sự cố lên tới 30 triệu USD/sự vụ. Tuy nhiên, trao đổi với Tiền Phong, đơn vị này cho biết, không bán vé, không bán bảo hiểm cho nạn nhân vụ tai nạn. Vì vậy, đến nay chỉ duy nhất PVI đứng ra chịu trách nhiệm bồi thường cho nạn nhân vụ tai nạn trực thăng vừa xảy ra.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm