CTCP Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) vừa có báo cáo chuyên đề về việc điều chỉnh lãi suất của Ngân hàng Nhà nước (SBV). Đơn vị phân tích nhận định, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam thường có diễn biến tích cực trong các lần hạ lãi suất của SBV (thống kê với ba đợt chính từ năm 2010 cho đến nay).
Những lần điều chỉnh lãi suất ảnh hưởng đến VN-Index
Theo KBSV, từ ngày 14/3 - 6/4, chỉ số VN-Index đã tăng 2,96% với nhiều phiên tăng điểm liên tục sau 2 quyết định hạ lãi suất của SBV với mức giảm 0,5%-1% với các loại lãi suất như lãi suất tái cấp vốn (6% xuống 5,5%), tái chiết khấu (4,5% xuống 3,5%), trần lãi suất cho vay kỳ hạn dưới 6 tháng (giảm 0,5%).
Ở thời kỳ 2011-2014, VN-Index tăng gần 90% tương ứng mức hạ lãi suất từ 15% xuống 6%-7% của SBV sau giai đoạn thắt chặt chính sách tiền tệ trước đó để hạ nhiệt bong bóng bất động sản, chứng khoán, cũng như lạm phát.
Từ 31/1/2020 đến 31/8/2021, SBV giảm mạnh lãi suất với mức giảm từ 6,5% xuống 4% do ảnh hưởng bởi COVID-19. Sau nhịp điều chỉnh ban đầu do chịu ảnh hưởng bởi yếu tố tâm lý trước các thông tin giãn cách xã hội, chỉ số VN-Index hồi phục và tăng gần 140% từ tháng 4/2020 đến đầu năm 2022 lên các mốc đỉnh ở vùng 1.500 điểm.
SBV có nhiều lý do để điều chỉnh lãi suất
KBSV dự báo, xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ trên thế giới đang dần đi đến hồi kết trước các rủi ro suy thoái kinh tế, rủi ro đổ vỡ của hệ thống tài chính toàn cầu, thị trường kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ có khả năng hạ lãi suất vào kỳ họp tháng 7 năm nay.
Theo đó, xu hướng hạ nhiệt của đồng USD (tham chiếu theo chỉ số DXY) được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì, giúp giải tỏa áp lực tỷ giá và tạo điều kiện cho SBV thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng như hạ lãi suất, mua vào dự trữ ngoại hối.
Đơn vị phân tích cho rằng, lạm phát Việt Nam kỳ vọng đã qua vùng đỉnh và tiếp tục xu hướng giảm, tương đồng với xu hướng hạ nhiệt nhanh của lạm phát toàn cầu trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ suy yếu và vấn đề tắc nghẽn chuỗi cung ứng giai đoạn Covid dần được khắc phục.
Do đó, các chính sách tiền tệ và tài khóa nới lỏng là cần thiết để giúp kinh tế VIệt Nam đạt mức tăng trưởng mục tiêu 6.5% của Chính phủ, trong bối cảnh nhiều động lực tăng trưởng khác đã suy yếu (cầu nội địa sụt giảm, xuất khẩu giảm...). Trong đó, chính sách tài khóa còn nhiều điểm nghẽn khó được khơi thông (pháp lý, giải phóng mặt bằng....), do đó chính sách tiền tệ vẫn là điểm tựa đáng tin cậy.
Thị trường chứng khoán có thể được hưởng lợi
KBSV dự báo, TTCK có thể được hưởng lợi trong thời gian tới nhưng xu hướng tăng sẽ không quá mạnh như giai đoạn 2020-2021. Vì lịch sử cho thấy, động thái hạ lãi suất của SBV có tác động tích cực lên TTCK, đặc biệt trong bối cảnh mặt bằng lãi suất huy động và cho vay cũng đang giảm nhanh như được chứng kiến 2 tháng trở lại đây.
Tuy nhiên, KBSV cho rằng, mức giảm của lãi suất còn khá yếu (0,5% ở các loại lãi suất chính sách khác nhau), trong khi cả năm 2022 SBV đã có hai lần tăng, mỗi lần 1% chỉ trong 2 tháng 10-11, điều này cho thấy SBV nới lỏng chính sách tiền tệ một cách thận trọng trước các rủi ro lạm phát, tỷ giá trong nước quay trở lại và các yếu tố bất ngờ đến từ thế giới.
Thêm vào đó, sự sụt giảm lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết trong quý IV/2022, dự kiến kéo dài tới quý II-III/2023 trước khi hồi phục vào cuối năm 2023 sẽ là là yếu tố kìm hãm đà tăng của thị trường trong thời gian tới.
KBSV cho rằng, cuối tháng 4/2023 là thời điểm báo cáo kết quả kinh doanh quý I của doanh nghiệp. Vì thế có thể xuất hiện nhịp điều chỉnh sau giai đoạn tăng mạnh của thị trường nếu các doanh nghiệp lớn công bố kết quả kinh doanh kém khả quan.
Về dài hạn, đơn vị phân tích kỳ vọng TTCK Việt Nam biến động quanh 1.240 điểm do thời điểm cuối năm có động lực chính đến từ diễn biến sụt giảm của mặt bằng lãi suất. Trong khi kinh tế toàn cầu không phải trải qua một cuộc suy thoái quá mạnh gây sụt giảm nghiêm trọng về tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp.
: rủi ro suy thoái mạnh, khủng hoảng ở Mỹ; rủi ro nền kinh tế và lợi nhuận doanh nghiệp Việt Nam xấu hơn kỳ vọng, rủi ro về yếu tố tâm lý thị trường trước những thông tin tiêu cực như doanh nghiệp phá sản...