Năm nay 15 tuổi (học lớp 9), em Lê Quý Nhân Nguyên, con anh Lê Quý Vang và chị Nguyễn Thị Thu Hiền - hai anh chị đều là Tiến sĩ người Việt hiện sống ở Đan Mạch - đã sở hữu một loạt những thành tích đáng nể về cả học tập, thể thao, âm nhạc.
Em học violin từ năm 3.5 tuổi, vào lớp mầm tài năng của thành phố năm 9 tuổi, được tuyển chọn vào lớp tài năng âm nhạc năm 13 tuổi và hiện tại là thành viên của dàn nhạc giao hưởng trẻ thành phố. Năm 2023 em được gọi vào đội tuyển bơi lội thành phố. Thành tích bơi hiện tại là 3km bơi liên tục trong 1 tiếng không ngừng nghỉ.
Nhân Nguyên được bình chọn là học sinh tài năng nhất trường năm học 2023; từng đạt 4 cúp cờ vua cho những người chơi cờ vua trẻ toàn miền Bắc Đan Mạch năm 2021, 2022, và 2023.
Không những vậy, em còn vô địch trong cuộc đua xe đạp Tour de France cho trẻ em, tại thành phố Ejberg, Đan Mạch. Nhân Nguyên cũng giành được các huy chương trong các bộ môn thể thao khác như cưỡi ngựa, chạy, leo núi, nhảy xa và một cúp vàng đồng đội với môn bóng đá.
Ngoài ra, em còn là admin, quản lý và điều hành một cộng đồng chơi game; có khả năng lập trình python. Em thành thạo tiếng Việt, Đan Mạch, tiếng Anh, và tiếng Pháp.
Có cậu con trai "cực phẩm", anh chị Vang Hiền cho rằng, những kết quả như giải, hay huy chương, thành tích chỉ là cái "quả". Là cha mẹ chúng ta hãy cố gắng chăm vào cái "nhân" - tạo môi trường thuận lợi nhất để con tối ưu phát triển thì "quả ngọt" ắt sẽ tới.
20 năm không xem tivi, dành thời gian chất lượng cho con
Mỗi đứa trẻ là riêng biệt và có khả năng khác nhau, phù hợp với những phương pháp giáo dục khác nhau. Tuy nhiên, vẫn có những nguyên tắc chung, với gia đình anh chị Vang Hiền là sự kiên nhẫn, đồng hành, xây dựng sự gắn kết giữa cha mẹ, con cái, đồng thời trang bị cho con những kỹ năng cần thiết.
Ở đất khách quê người, không có sự trợ giúp, vợ chồng anh chị luôn phải bố trí thời gian một cách khoa học để bên con nhiều nhất có thể. Với bản thân chị Hiền, chị làm việc tận tâm nhưng không mang công việc về nhà, không quá tham vọng. Có những giai đoạn chị chấp nhận đi chậm trong con đường sự nghiệp của mình để đặt ưu tiên cho con, bởi không muốn đánh mất những khoảng thời gian quý giá đồng hành lớn lên cùng con.
Ở giai đoạn con còn nhỏ đến năm lớp 7, sau thời gian đi làm, từ 5h chiều đến 9h tối là thời gian hai vợ chồng chị chỉ bên con. Sau khi con đi ngủ, chị có thể làm việc đến 2h sáng. Chị Hiền cho rằng, để dành thời gian chất lượng cho con, đôi khi cha mẹ phải chấp nhận hy sinh những nhu cầu và sở thích riêng. 20 năm nay, chị Hiền không xem tivi hay những bộ phim dài tập.
"Có những giai đoạn hai vợ chồng có thể tiến xa hơn, nhanh hơn trong sự nghiệp của mình nếu đầu tư thời gian, nhưng tôi quan niệm trong gia đình luôn có một người đứng ở đằng sau để giữ nếp nhà cho con phát triển, sau đó mình còn rất nhiều thời gian để phát triển theo đuổi sự nghiệp của mình. Mỗi một giai đoạn mình phải đặt những ưu tiên khác nhau, cái nào là quan trọng để đồng hành một cách nghiêm túc và có trách nhiệm", chị Hiền chia sẻ.
Chuẩn bị nghiêm túc cho con những kỹ năng sống cơ bản
Một trong những ưu tiên quan trọng trong quá trình giáo dục con của gia đình anh chị Vang Hiền chính là trang bị cho con những kỹ năng sống cơ bản: Đó là khả năng quản lý thời gian: Những việc gấp, quan trọng cần làm ngay, những việc quan trọng nhưng không khẩn cấp có thể xếp thứ hai, không quan trọng, không khẩn cấp thì loại khỏi danh sách. Ngoài ra, còn có các kỹ năng khác như kỹ năng tra cứu tài liệu từ các nguồn uy tín, kỹ năng lên mạng, kỹ năng đọc sách... đặc biệt là kỹ năng tự giải quyết vấn đề.
Bà mẹ hai con cho rằng, trẻ em, về cơ bản cũng không khác người trưởng thành, cũng liên tục phải đối mặt với các quyết định, thách thức hàng ngày trong mọi giai đoạn của cuộc đời. Đứa trẻ nào cũng phải học cách giải quyết vấn đề của chính mình, và tích luỹ những kinh nghiệm ấy một cách tự nhiên nhất để làm thành bộ công cụ giải quyết vấn đề cho riêng mình.
Một đứa trẻ đi giày trái và thấy khó chịu, đứa bé sẽ tự khắc biết cách đổi lại cho đúng để chân mình không bị đau. Bé ra ngoài chơi bị lạnh sẽ tự quay về nhà tìm áo ấm để mặc. Những cô cậu tuổi dậy thì tức giận, cãi vã, rồi lại tự mình tìm cách giảng hoà cùng nhau…
Với tư cách là cha mẹ, chúng ta luôn thường trực suy nghĩ mình là người nuôi dưỡng, bảo vệ con cái của mình khỏi tất cả những thách thức, rủi ro. Nhưng sẽ tốt hơn, nếu cha mẹ có thể nỗ lực có ý thức để lùi lại khỏi bản năng bảo bọc của mình và cho phép trẻ tìm ra giải pháp cho vấn đề trước mắt. Sự bao bọc quá của cha mẹ sẽ làm trẻ nhỏ dễ bị phụ thuộc và thiếu tự tin.
Là cha mẹ chúng ta không phải lúc nào cũng có thể ở bên cạnh để giải quyết mọi vấn đề cho con cái của mình. Một trong những điều tốt nhất chúng ta có thể làm là nuôi dưỡng những cơ hội và khuyến khích trẻ tự giải quyết vấn đề.
Bởi thay vì bỏ cuộc hoặc thất vọng khi gặp thử thách, những đứa trẻ có kỹ năng giải quyết vấn đề sẽ biết cách quản lý cảm xúc, suy nghĩ sáng tạo và kiên trì cho đến khi tìm ra giải pháp.
Những phương pháp anh chị Vang Hiền áp dụng cho con:
1. Để trẻ có một khoảng không gian riêng nhất định tự chơi, và tự tìm cách/phương pháp chơi.
2. Khuyến khích sự sáng tạo
3. Kiên nhẫn và kiên nhẫn
4. Cho phép trẻ được thất bại
5. Yêu cầu sự giúp đỡ, tư vấn từ trẻ
6. Lập plan b, plan c
7. Mô hình
8. Cho trẻ tham gia vào các vấn đề cùng gia đình
9. Gia đình là một teamwork
10. Khen ngợi sự nỗ lực của trẻ
Việc củng cố kỹ năng này không chỉ giúp con có được sự độc lập và tự tin mà còn giúp trẻ thành công trong học tập, lãnh đạo, các mối quan hệ xã hội, thể thao, tài chính, sức khỏe, kỹ năng giải trí và tất cả các lĩnh vực khác của cuộc sống.
Thành thạo đa ngữ nhưng nhất định phải rành tiếng Việt
Anh chị Vang Hiền sang nước ngoài du học từ cách đây hơn 20 năm. Cả hai vợ chồng đều có nhiều năm làm việc liên quan đến giáo dục. 30 tuổi sinh con, chị Hiền có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, theo học các khóa học làm cha mẹ của đại học Stanford. Dù tiếp cận nhiều phương pháp giáo dục hiện đại đến đâu, thì một trong ưu tiên của gia đình anh chị vẫn là làm sao để con phát triển thành một đứa trẻ đa ngữ nhưng vẫn đọc thông viết thạo tiếng Việt.
Theo anh chị, với trẻ con đa ngôn ngữ, điều tiên quyết là người lớn phải nói tiếng mẹ đẻ với con càng nhiều càng tốt. Trong nhà chị có 1 quy tắc không nói tiếng Anh và tiếng Đan Mạch mà chỉ nói tiếng Việt. Con lập kế hoạch hàng ngày cũng bằng tiếng Việt. Nhóm chat của gia đình cũng chỉ giao tiếp bằng tiếng Việt.
Giờ ăn sáng và tối là khoảng thời gian bố mẹ, con cái nói chuyện rất nhiều với đủ các chủ đề "trên trời dưới biển". Anh chị sẽ hỏi hôm nay con thế nào, kể cho con nghe những công việc, đề tài sinh viên bảo vệ, có thể giảng cho con nghe về một số đề tài phù hợp.
Nhân Nguyên thường xuyên được mẹ đọc sách và em tự đọc sách tiếng Việt cũng rất nhiều. Năm 3 tuổi, chị Hiền tham gia dạy tiếng Việt tình nguyện, con được đi học theo mẹ. Anh chị tạo điều kiện cho con tham gia các hoạt động cộng đồng, thiện nguyện của nhóm bạn người Việt nên khối từ vựng của bé ngày càng dày dặn và phong phú.
Nhân Nguyên hiện nói tiếng Việt rất thành thạo, thậm chí khi về thăm quê hương, không ai biết em sinh ra và lớn lên ở một đất nước khác.
Cho con thoải mái trải nghiệm và lựa chọn điều mình muốn
Từng là dân "gà chọi" trường chuyên lớp chọn, chị Hiền muốn tránh cho con đi theo con đường như "gà công nghiệp" của mẹ. Thay vì chỉ tập trung học văn hóa, anh chị định hướng cho con tham gia những gì con thích, để con thoải mái trải nghiệm và lựa chọn.
Nhân Nguyên có tính tự lập nên rất hiếm khi con làm bài tập ở nhà mà tranh thủ hoàn thành xong ngay tại lớp. Con có tư duy tốt, làm bài khá nhanh. Khi về nhà con chỉ học những thứ mình thích. Một ngày ngủ đủ 9 - 10 tiếng để có tinh thần tỉnh táo.
Các môn ngoại khóa con cũng chỉ học trong tuần. Thứ 7, chủ nhật hoàn toàn không có hoạt động liên quan đến học hành, chỉ dành thời gian cho bố mẹ.
Nhân Nguyên học bơi 1 tuần 1 buổi, sau đó tham gia thử đội tuyển nhưng chỉ 2 tháng thì xin rút, chỉ tập trung vào lớp tài năng âm nhạc. Thứ 2 em học 4 tiếng đến 8h tối. Thứ 3 đánh dàn nhạc giao hưởng trẻ của thành phố 2,5 tiếng. Thứ 4 học solo đàn violon cùng thầy giáo. Thứ 5, học đàn piano. Anh chị Vang Hiền đánh giá con có năng khiếu về nhạc cụ, khi chuyển sang học piano, chỉ cần 2 tháng là con có thể chơi bằng những bạn học 2, 3 năm.
Năm lớp 6, con cho biết muốn làm bác sĩ, chị Hiền cho con theo lên các bệnh viện 1 tuần để trải nghiệm thực tế công việc của nghề. Có lúc con muốn làm chuyên gia cao cấp về trí tuệ nhân tạo giống bố, con cũng được bố Vang cho đến công ty thực hành 1 tuần. Từ bé con đã mong muốn được giống như Albert Einstein, một nhà khoa học nổi tiếng, giỏi violon, do đó năm lớp 8 con tham dự học dự thính một tuần tại một trường công nghệ.
"Ở đây con được trải nghiệm nhiều, từ đó con sẽ người lựa chọn thứ con muốn chứ không phải thứ bố mẹ muốn. Vợ chồng tôi cũng cố gắng cho con những trải nghiệm nhiều nhất để con tìm sự phù hợp nhất cho mình. Tất nhiên bố mẹ phải đóng vai trò như một mentor (huấn luyện viên), một người thầy, người bạn đi đường dài cùng con, đưa cho con những phân tích, định hướng nhưng con là người đưa ra lựa chọn cuối cùng.
Con có thể giỏi thể thao, giỏi giao tiếp... chứ không nhất thiết phải là giỏi Toán, Văn. Khi được theo đuổi những gì mình yêu thích, đam mê, các bạn chắc chắn sẽ hạnh phúc, vui vẻ và đạt được thành công", anh chị Vang Hiền chia sẻ.
Anh chị luôn nói với con điểm số chỉ là "quả", quan trọng là con học được những gì, con thích thú, hiểu vấn đề mới quan trọng. Chưa bao giờ anh chị tạo áp lực thành tích cho con. Nếu điểm cao nhưng con không hiểu vấn đề thì cũng chỉ là lớp vỏ bên ngoài.
Chẳng hạn, khi con cần phỏng vấn một số người nhập cư để làm đề tài về sự hòa nhập, vợ chồng anh chị đưa con đi từng nhà, kết nối các mối quan hệ để con phỏng vấn nhưng tuyệt đối không can thiệp về câu hỏi, không sửa bài. Điểm của con là điểm thực lực vốn có.
Điều mà anh chị luôn khẳng định với con là: "Bố mẹ yêu con vì con là con của bố mẹ, không phải vì con học giỏi, đạt thành tích này kia. Khi nào con hạnh phúc thì bố mẹ cũng thấy hạnh phúc. Vì vậy, con không cần phải lựa chọn điều mà bố mẹ thích vì con cần phải sống cuộc đời của con".
"Gen di truyền chỉ đóng vai trò một phần, môi trường để con được là chính mình, phát triển theo lĩnh vực mà con có khả năng nhất, đó mới là yếu tố quan trọng", anh chị Vang Hiền nói thêm.