Chiều 7.7, tại họp báo giới thiệu 5 luật trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số mới được Quốc hội thông qua, do Bộ KH-CN tổ chức, nhiều nhà báo đã đặt vấn đề về hiệu quả của các luật mới trong việc ngăn chặn sữa giả, thực phẩm chức năng giả.
Quản lý chất lượng hàng hóa theo mức độ rủi ro
Ông Hà Minh Hiệp, Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn đo lường chất lượng quốc gia cho biết, các giải pháp cho vấn đề trên nằm ngay trong những điểm mới của luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

Ông Hà Minh Hiệp, Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn đo lường chất lượng quốc gia
ẢNH: MINH HIẾU
Theo ông Hiệp, trong luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, trước đây có sự phân cấp phân quyền cho các bộ ngành, nghĩa là các bộ ngành sẽ quản lý chất lượng các sản phẩm do bộ ngành mình quản lý. Luật sửa đổi lần này khẳng định mỗi sản phẩm chỉ có một bộ ngành quản lý.
Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật cũng đưa vào nhiều nội dung mới nhằm khắc phục tình trạng tuy hàng hóa được quản lý, nhưng hàng hóa đó có thể chưa đáp ứng được những tiêu chuẩn, quy chuẩn.
Nội dung mới của 2 luật trên giúp thiết lập cơ chế quản lý phân loại hàng hóa theo mức độ rủi ro. Trước đây, có hàng hóa nhóm 1, nhóm 2, đây là cách phân nhóm hành chính, nên có những hàng hóa thuộc nhóm rủi ro cao nhưng doanh nghiệp vẫn được phép tự công bố chất lượng. Đây là cơ chế tiềm ẩn sự nguy hiểm.
Nhưng từ nay hàng hóa được chia thành các nhóm rủi ro cao, rủi ro trung bình, rủi ro thấp. Đã là hàng hóa rủi ro cao thì chắc chắn phải có bên thứ 3 đánh giá, không để doanh nghiệp tự đánh giá. Bên thứ 3 cũng phải là bên được công nhận. Với hàng hóa rủi ro trung bình, doanh nghiệp có thể tự đánh giá và tự chịu trách nhiệm. "Sẽ không có chuyện hàng hóa rủi ro cao mà áp dụng các biện pháp tự công bố", ông Hiệp khẳng định.
Ông Lê Xuân Định, Thứ trưởng Bộ KH-CN cũng cho biết: "Ta đang đề cập đến vấn đề là với một sản phẩm hàng hóa, áp dụng quy chuẩn kỹ thuật nào thể hiện đúng khả năng gây rủi ro cho sức khỏe, môi trường, an toàn của sản phẩm. Cách quản lý hiện nay được quy định bất cứ hàng hóa nào có rủi ro sẽ phải áp dụng biện pháp quản lý tương xứng. Nếu hàng hóa rủi ro cao, không bao giờ có tình trạng hậu kiểm, chắc chắn phải tiền kiểm".
Luật hóa việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa
Một nội dung mới cũng được ông Hiệp nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên các hoạt động truy xuất nguồn gốc được luật hóa. Tất cả những hàng hóa rủi ro cao bắt buộc phải truy xuất nguồn gốc.
Luật cũng đưa ra trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc công bố sản phẩm, đặc biệt trên sàn thương mại điện tử. Đây cũng vấn đề rất mới của luật. Các sàn thương mại điện tử trước đây cho các đơn vị đưa sản phẩm lên, giờ bắt buộc đã đưa lên thì phải đưa thông tin về chất lượng để người dùng biết.
Ông Hiệp cũng cho biết thêm, sắp tới chúng ta sẽ có cơ sở dữ liệu quốc gia về tiêu chuẩn, chất lượng. Trên đó, bất kỳ thông tin nào liên quan đến sản phẩm, hàng hóa, tiêu chuẩn đều được công bố. Ví dụ, trước đây, đưa sản phẩm ra ngoài thị trường (sản phẩm rủi ro thấp), doanh nghiệp công bố tiêu chuẩn cơ sở, nhưng có thể mọi người không biết. Bây giờ, bắt buộc công bố trên cơ sở dữ liệu quốc gia, giúp người tiêu dùng biết sản phẩm công bố theo tiêu chuẩn nào.
"Con đường duy nhất để quản lý chất lượng sản phẩm tốt hơn chính là sự minh bạch. Minh bạch ngay từ quá trình xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn. Xây dựng tiêu chuẩn bắt buộc phải có quá trình tham vấn, xây dựng quy chuẩn bắt buộc phải có đánh giá tác động chính sách, không phải đưa ra yêu cầu rồi không quan tâm việc thực thi", ông Hiệp nói.

Thứ trưởng Bộ KH-CN Lê Xuân Định: Với hàng hóa rủi ro cao, cơ chế quản lý chất lượng là tiền kiểm
ẢNH: HẢI HÀ
Còn theo ông Lê Xuân Định, luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật sửa đổi đưa ra một triết lý rất rõ ràng: tiêu chuẩn là định hướng phát triển của quốc gia để thúc đẩy năng suất, chất lượng và đổi mới; quy chuẩn là hàng rào bảo vệ quốc gia, bảo vệ sức khỏe, môi trường, an ninh và chủ quyền về mặt kỹ thuật.
Ngoài ra, còn một điểm mới là với tất cả các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (sau khi 2 luật này có hiệu lực) đều phải đánh giá tác động nhằm xem những đối tượng chịu tác động có ý kiến phản hồi. Cơ quan nhà nước không đơn phương áp đặt trong việc đặt ra các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Điều này đảm bảo tính tương thích, hài hòa, cân bằng về quyền lợi nhưng phải đảm bảo tuyệt đối về mặt an toàn.