Lương gần trăm triệu vẫn không khỏa lấp cảm giác lạc lõng nơi xứ người, 9x Việt quyết định trở về quê cùng "người bạn" đặc biệt
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Ninh An, huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, chàng trai Lê Văn Thuận (31 tuổi) khiến bạn bè và mọi người xung quanh ngưỡng mộ khi xuất sắc giành được học bổng toàn phần đi du học tại Séc.
Năm đó, Văn Thuận chỉ mới 20 tuổi, đang là sinh viên trường Đại học Nha Trang. Nhờ thành tích học tập nổi trội, anh được nhận học bổng toàn phần, chuyên ngành Kỹ thuật ô tô của Đại học Liberec, Séc.
Sau khi tốt nghiệp, anh Lê Văn Thuận ở lại trời Âu, làm việc cho một công ty của Séc. Sau đó, anh quyết định ra riêng, tự kinh doanh. Thời điểm đó, thu nhập hằng tháng của chàng trai Việt rơi vào khoảng 2500 euro (75 - 80 triệu) mỗi tháng.
Anh Lê Văn Thuận từng giành được học bổng tại Séc.
Sống và làm việc ở châu Âu - nơi sở hữu vị trí chiến lược về giao thông, thương mại, được bổ trợ các ưu thế đặc biệt về tự nhiên, kinh tế, chính trị..., là nơi lập nghiệp, làm việc lý tưởng nhất thế giới, lại có mức thu nhập khá cao, nhưng tất cả không khiến anh Lê Văn Thuận cảm thấy vơi bớt nỗi nhớ quê hương.
Cuộc sống huyên náo nơi xứ sở hoa lệ không giữ chân được anh Thuận quá lâu: "Sau khi ra riêng kinh doanh, công việc của mình khá tốt và thu nhập ổn. Tuy nhiên, mình luôn cảm thấy cuộc sống xô bồ và gò bó về thời gian nơi đất khách không hợp với mình.
Cảm thấy rất lạc lõng và cô đơn nơi đất khách. Thế là mình quyết định quay về Việt Nam để bắt đầu lại từ đầu cùng với những chú chó mà mình yêu mến." - Anh Thuận nhớ lại.
Đầu năm 2018, anh Lê Văn Thuận rời châu Âu trở về Việt Nam
Đầu năm 2018, anh Lê Văn Thuận về Việt Nam với số vốn khá khiêm tốn cùng với một "người bạn" đặc biệt là chú chó được nhập từ Séc về.
Lúc anh bỏ tất cả nơi trời Âu để về quê làm lại từ đầu, cả người thân và bạn bè đều cảm thấy bất ngờ, không khỏi xen lẫn cảm giác tiếc nuối thay cho anh chàng vì nỡ từ chối cơ hội phát triển tại một vùng đất văn minh, hiện đại.
Thế nhưng, anh không để những tác nhân bên ngoài ảnh hưởng đến quyết định của mình. “Ôm mộng” về quê, anh Thuận nhận ra bản thân yêu thích cây cối, gần gũi với thiên nhiên, động vật, thích hợp với nhịp sống an yên, bình dị.
Khởi nghiệp với công việc không nhiều người biết đến, bị gia đình phản đối kịch liệt
Cuộc sống của những người trẻ khi rời phố thị về quê lập nghiệp dù được coi là bình yên hơn thì vẫn không thể thoát khỏi vòng xoay "cơm áo gạo tiền". Anh Lê Văn Thuận quyết định bắt đầu công việc với những chú chó nghiệp vụ - "Người bạn" mà anh chàng yêu mến.
Mặc cho nhiều người phản đối, anh Lê Văn Thuận vẫn kiên trì, quyết tâm đi theo nghề huấn luyện chó
"Séc vốn là cái nôi của dòng chó nghiệp vụ Malinois này, và khá nổi tiếng về huấn luyện. Mình cũng từng được tham quan và học hỏi kinh nghiệm huấn luyện của vài người bạn trong quân đội Séc.
Mình nhận thấy đây là một nghề mới, khá thú vị, sẽ có thu nhập nếu làm tới nơi tới chốn. Được gần gũi cùng thiên nhiên và động vật càng là động lực thôi thúc mình bắt tay vào công việc này.
Nên việc đầu tiên mình làm là tìm một nơi có khí hậu dễ chịu, rộng rãi và yên bình để bắt đầu thành lập trại huấn luyện chó.
Cuối cùng, mình chọn mua đất ở huyện Eakar, Đắk Lắk để làm trang trại. Lúc ấy mình không được ai trong gia đình ủng hộ cả, mọi người đều bảo cái thú xa xỉ đấy không thể phát triển ở Việt Nam, một phần gia đình sợ mình khổ".
Thời điểm ấy, biết bao lo lắng, băn khoăn hiện lên trong suy nghĩ của bố mẹ anh Thuận: Lấy đâu ra tiền để khởi nghiệp? Mất bao nhiêu thời gian, công sức để du học nước ngoài, sao tự nhiên lại đòi rẽ ngang? Rồi kinh doanh liệu có thành công?...
Tuy nhiên, mặc cho nhiều người phản đối, anh Lê Văn Thuận vẫn kiên trì, quyết tâm đi theo con đường mình đã chọn.
"Vạn sự khởi đầu nan", ban đầu 9x Khánh Hòa vấp phải vô vàn khó khăn, thiếu thốn đủ đường. Thực tế khắc nghiệt khiến những người trẻ chọn khởi nghiệp nơi quê nhà như anh có thể bị nhấn chìm hết mọi mơ mộng, kỳ vọng bất cứ lúc nào, nếu không có lòng quyết tâm, "chân cứng đá mềm".
"Tài chính cũng là một trở ngại, do mình mới về Việt Nam đã chui vào rừng xây dựng trang trại, cần vốn lớn, rồi phải bỏ nhiều công sức... Nhưng mình xuất thân con nhà nông nên chịu khổ được, mình dành hết tâm huyết vào những chú chó nhập, tập luyện và làm video.
Công việc hiện tại của mình là Người Huấn Luyện Chó (Dog trainer) theo phương pháp của nước ngoài và là Nhà Nhân Giống (Breeder) dòng chó Malinois, chuyên để huấn luyện.
Nước ngoài họ dạy chó theo phương pháp Khích Lệ Khen Thưởng, động viên chú chó nhiều hơn, nên chú chó được dạy sẽ nhanh nhẹn hoạt bát hơn, không bị ngược đãi như phương pháp dạy bằng đòn roi.
Và chủ của những chú cún cũng sẽ an tâm gửi đến trang trại của mình để chú chó của họ được phát triển tốt nhất. Các "bạn" ấy sẽ được bơi, được chảy nhảy khắp trang trại rộng hơn 1 hecta khi đến với tụi mình".
Sau hơn 3 năm kiên trì bền bỉ, "cái cây" mà anh Thuận tự tay chăm sóc nay đã đến ngày nhận trái ngọt.
Bỏ hết tất cả, về quê lập nghiệp chắc chắn không phải cuộc chơi dành cho những kẻ mộng mơ, nhưng chỉ cần bạn kiên trì, rồi sẽ có ngày gặt hái "quả ngọt".
Trại huấn luyện chó của anh dần có một lượng khách lớn, trở thành trại huấn luyện có tiếng. Bên cạnh đó, anh còn nhân giống dòng chó Malinois, thích hợp với những khách hàng làm trang trại, có sân vườn.
Vừa huấn luyện chó, 9x Khánh Hòa vừa kết hợp trồng cây, phủ xanh trang trại, tạo cảnh quan yên bình cho nơi làm việc, đồng thời mang lại nguồn thu nhập để trang trải cuộc sống.
Rời bỏ trời Âu với mức lương gần cả trăm triệu một tháng, nhưng chàng trai trẻ luôn cảm thấy hạnh phúc, "được" nhiều hơn "mất":
"Mình thực sự hài lòng khi được sống là chính mình và làm điều mình thích. Mình vốn là một người yêu mến chó và thích được gắn bó cùng bọn nó, nên làm công việc này, mình làm cũng như chơi vậy, lại chủ động được thời gian, môi trường sống trong lành, dễ chịu hơn rất nhiều.
Thấy "bọn học trò" thoải mái tại trại huấn luyện, mình cũng vui lây, ngoài công việc, mình còn hay tham gia hội nhóm và phát triển cộng đồng yêu thú cưng, tham gia các hoạt động giải cứu chó mèo ở Đắk Lắk".
Khát vọng, nhiệt huyết tuổi trẻ lớn là vậy, song anh Lê Văn Thuận vẫn khẳng định bỏ hết tất cả, về quê lập nghiệp chắc chắn không phải cuộc chơi dành cho những kẻ mộng mơ.
Để có thể sống được với đam mê và sự mạo hiểm của mình, cần có kế hoạch cụ thể, tài chính vững vàng, quan trọng hơn cả là sự kiên trì, bền bỉ vượt qua mọi khó khăn, thử thách để gặt hái được thành công và "quả ngọt".
Ảnh: NVCC