Sáng 19-8, Ban công tác phía Nam - Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam TP.HCM tổ chức hội nghị ghi nhận tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân khu vực phía Nam quý III- 2022.
Hội nghị do Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng chủ trì.
Hội nghị ghi nhận nhiều ý kiến về những vấn đề bất cập trong công tác quản lý nhà nước đối với đời sống xã hội. Ảnh: THANH TUYỀN
Nêu ý kiến tại hội nghị, ông Peter Hồng - Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài - cho biết, kết luận số 12 của Bộ Chính trị đã khẳng định đóng góp quan trọng của người Việt Nam ở nước ngoài vào sự phát triển của đất nước.
Ông thông tin, lượng kiều hối về Việt Nam năm qua là 18 tỉ USD, tại TP.HCM con số này là 6,1 tỉ USD. Hiện nay, tại Việt Nam có khoảng 4.337 công ty là doanh nghiệp của Việt kiều với mức đầu tư 45.000 tỉ USD. TP.HCM có 1.324 công ty với gần 23.000 tỉ USD.
Ông Peter Hồng cho rằng, không khó để tăng lượng kiều hối về Việt Nam. Nhưng vấn đề ông muốn nêu ra là làm sao để thu hút, tập hợp được trí tuệ người Việt Nam ở nước ngoài.
Ông Peter Hồng trăn trở việc làm sao để thu hút, tập hợp được trí tuệ người Việt Nam ở nước ngoài. Ảnh: THANH TUYỀN
Hiện, có khoảng 500.000 trí thức là con em người Việt ở nước ngoài được đào tạo bài bản rất muốn về Việt Nam làm việc nhưng gặp khó.
Ông dẫn câu chuyện của chính người vợ: “Bà xã tôi là trưởng khoa 1 bệnh viện lớn ở nước ngoài với mức lương 187.000 USD/năm. Vợ tôi muốn về Việt Nam làm việc nhưng lương 14triệu/tháng thì sao mà về được”- ông Peter Hồng kể.
Ông cũng nêu câu chuyện về sử dụng nhân tài, đưa dẫn chứng các thí sinh đạt giải nhất chương trình “Đường lên đỉnh Olympia” sau khi được đi học thì đều ở lại Australia làm việc. Ông nói, nhiều người hay nói vui là “Đường lên đỉnh Australia chứ không phải Olympia”.
Ông từng khuyên các bạn trở về nước để cống hiến. “Có cháu bảo năm sau sang lại nước ngoài làm vì ở trong nước không làm việc được”- ông Peter Hồng nói đây là một điều rất đau xót.
Ông thông tin, mỗi năm nhà nước bỏ ra 1,4 tỉ USD cho khoảng 100.000 con em đi học ở nước ngoài nhưng lại không sử dụng được số trí thức này.
“Coi như chúng ta đóng hụi chết. Không kêu gọi được các cháu về”- ông nói.
Ông cũng nhắc đến đề án 165 về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước. Trong số 3.000 tiến sĩ được đào tạo thì có đến 65% làm việc ở nước ngoài, 27% đang làm việc nhà nước, số lại là bỏ việc.
“Chúng ta bỏ tiền tỉ, mồ hôi xương máu của đất nước cho các cháu đi học nhưng bây giờ thành ra như vậy. Con em đi du học rồi không về Việt Nam làm việc. Đây là một sự đau xót”- ông Peter Hồng nói và bày tỏ sự lo ngại không biết thế hệ tiếp theo đang ở đâu.