2 năm trước, ánh sáng xanh từ màn hình máy tính chiếu lên khuôn mặt mệt mỏi của Zechariah Osburn. Trước mắt cậu là đơn đăng ký vào đại học, một cánh cửa mà hầu hết bạn bè đồng trang lứa đều ao ước. Bố mẹ thúc giục, xã hội kỳ vọng, thành tích học tập ổn định - tất cả như thể đang đẩy Osburn về một hướng mặc định. Nhưng giữa đêm khuya của năm cuối cấp, một câu hỏi xoáy sâu trong đầu cậu: "Mình đang làm gì vậy?"
Cảm giác như kẻ giả tạo khiến Osburn ngột ngạt. Cậu không chắc mình muốn gì, càng không có sẵn hàng chục nghìn đôla để đánh cược vào một tấm bằng chỉ để "tìm lại bản thân" qua các bữa tiệc sinh viên.
Và rồi, Osburn đưa ra quyết định táo bạo, đó là bỏ qua đại học, chọn theo nghề làm vườn. Quyết định tưởng chừng điên rồ ấy lại giúp cậu lập nên công ty cảnh quan Z's Exterior Services ở Virginia, với đội ngũ nhân sự và kế hoạch mở rộng rõ ràng. "Bạn bỏ bao nhiêu công sức sẽ nhận lại bấy nhiêu", Osburn nói, khi nhìn thấy bạn bè vật lộn với nợ vay và thất nghiệp sau tốt nghiệp.
Câu chuyện của Osburn phản ánh sự thay đổi âm thầm nhưng sâu sắc trong tư duy của một bộ phận gen Z - thế hệ không còn xem tấm bằng đại học là con đường duy nhất để thành công.
Khủng hoảng niềm tin mang tên "bằng đại học"
Người Mỹ ngày càng hoài nghi về "lợi tức đầu tư" của tấm bằng đại học. Theo khảo sát của Gallup năm 2023, chỉ 36% người được hỏi tin tưởng vào hệ thống giáo dục đại học, giảm mạnh so với 57% năm 2015. Nghiên cứu của Pew năm 2024 cho thấy chỉ 22% người trưởng thành cho rằng học đại học là xứng đáng nếu phải vay nợ.
Đặc biệt, gen Z là thế hệ bi quan nhất về giá trị của đại học. Theo khảo sát của Indeed năm 2025, đây là nhóm có tỷ lệ cao nhất cho rằng bằng cấp không còn tương xứng với chi phí.

Các sinh viên năm cuối lo lắng về tương lai nghề nghiệp của mình bị đe dọa bởi AI (Ảnh: Getty).
Không chỉ là cảm giác, nợ sinh viên là gánh nặng thật sự. Trung bình, một gen Z ở Mỹ đang gánh khoảng 23.000 USD nợ vay học phí. Gánh nặng này cản trở ước mơ rất "gen Z": tự do tài chính, cân bằng cuộc sống - công việc, và làm chủ cuộc đời.
Cùng lúc đó, các công việc "cổ cồn trắng" đang bị đe dọa bởi AI. Một khảo sát từ Handshake cho thấy 62% sinh viên năm cuối hiểu biết về AI cảm thấy lo lắng về tương lai nghề nghiệp, tăng vọt so với 44% năm 2023. Các ngành từng được xem là ổn định như công nghệ, tư vấn, luật, tuyển dụng… đang bị tự động hóa hóa "xén" bớt việc làm đầu vào.
Theo Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York, tỷ lệ thất nghiệp của sinh viên mới tốt nghiệp trong quý I/2025 đã tăng lên 5,8%, từ mức 4,6% năm ngoái. Cùng với đó, các yếu tố bất ổn như chính sách thuế quan từ chính quyền Trump khiến doanh nghiệp ngại tuyển dụng, đẩy nhiều lao động văn phòng vào thế bí.
Việc tay nghề - "mỏ vàng" mới của gen Z
Giữa bức tranh ảm đạm của thị trường việc làm truyền thống, các công việc tay nghề lại đang nổi lên như một điểm sáng.
Theo Trung tâm Clearinghouse, tỷ lệ sinh viên cao đẳng 2 năm chọn học nghề thay vì chương trình liên kết khác đã tăng từ 15% năm 2019 lên gần 20% vào năm 2024. Các nghề tăng trưởng nhanh nhất hiện nay là kỹ thuật viên tua-bin gió, lắp đặt pin năng lượng mặt trời, kỹ thuật y tế, phân tích dữ liệu và an ninh mạng. Ngoài ra, các ngành như xây dựng, điện, nước, vận tải... được dự báo tăng trưởng nhanh hơn mức trung bình 4% trong giai đoạn 2023-2033.
Jennifer Herrity, chuyên gia nghề nghiệp tại Indeed, cho biết mạng xã hội đã giúp gen Z khám phá các nghề ít được nhắc đến trước đây. Những video "một ngày làm việc" của thợ điện, thợ ống nước hay người làm vườn lan tỏa mạnh mẽ trên TikTok, YouTube, Instagram.
Osburn cũng học hỏi nhiều kỹ năng làm vườn từ video trên mạng. Hiện nay, cậu có hơn 45.000 người theo dõi trên Instagram. Tương tự, Lexi Abreu - một nữ thợ điện có 200.000 người theo dõi trên YouTube - truyền cảm hứng không chỉ nhờ kiến thức chuyên môn mà còn bởi hình ảnh phụ nữ trong ngành nam giới thống trị.
Làn sóng đầu tư vào năng lượng sạch và hạ tầng công cộng cũng tạo ra nhu cầu lớn về nhân công tay nghề. Lương trong các ngành này tăng mạnh do thiếu hụt lao động, một phần vì thế hệ baby boomer đang nghỉ hưu hàng loạt. Và điều quan trọng hơn: đây là những công việc mà AI không thể thay thế. Bạn khó có thể thuê robot đến sửa điện hay lắp máy lạnh trong nhà mình.

Nhiều bạn trẻ Mỹ rẽ hướng sang làm vườn, rửa sân, sửa điện vì ít rủi ro, thu nhập cao và miễn nhiễm với cơn bão AI (Ảnh: Getty).
AI: "kẻ cướp việc" văn phòng, "trợ lý" của doanh nhân gen Z
Dù AI đang làm lao động văn phòng lo lắng, thì với nhiều bạn trẻ thuộc gen Z khởi nghiệp, đây lại là công cụ đắc lực.
ChatGPT và các phần mềm tương tự giúp tiết kiệm thời gian, tự động hóa việc gửi email, đặt lịch, lập kế hoạch - những công việc tốn người nếu thuê ngoài.
Gary Specter, CEO công ty phần mềm Simpro, cho biết: "Gen Z đã quá quen thuộc với công nghệ. Họ sinh ra cùng điện thoại và mạng xã hội, nên biết cách tận dụng nó để làm việc hiệu quả".
Ryan Daniels là một ví dụ. Năm 2022, cậu bỏ học Đại học Florida để tập trung vào công ty rửa áp lực mà cậu gây dựng từ thời cấp ba. Hiện nay, công ty RHI Pressure Washing của Daniels đủ lớn để trả lương cho bản thân và ba nhân viên. Cậu thường dùng ChatGPT để soạn email hoặc gửi thông báo hàng loạt. "AI có thể cướp việc văn phòng, nhưng với tụi tôi thì quá tiện lợi", Daniels nói.
Vượt định kiến: "Không học đại học không có nghĩa là thất bại"
Sự lựa chọn của gen Z không đơn thuần là vì kinh tế mà đó còn là cuộc cách mạng tư duy, phá vỡ những định kiến lâu đời.
Từ năm 1970 đến 2021, tỷ lệ người Mỹ có bằng đại học đã tăng từ 11% lên 38%. Đại học từ đặc quyền trở thành tiêu chuẩn xã hội, kéo theo quan niệm xem thường lao động chân tay. Tuy nhiên, chi phí đại học tăng cao khiến "giấc mơ bằng cấp" không còn hấp dẫn như xưa.
"Nhiều người sốc khi tôi từ bỏ cơ hội học đại học", Osburn chia sẻ. "Nhưng tôi cảm thấy mình có định hướng rõ ràng hơn khi ra đời làm việc".
Gen Z đang chứng minh rằng thành công không có một khuôn mẫu cố định. Họ đang làm chủ công việc, kiếm sống ổn định, và tận dụng công nghệ để nâng tầm nghề tay chân vốn từng bị coi thường. Với họ, không học đại học không đồng nghĩa với thất bại mà có thể là cách khởi đầu một chương mới tự chủ hơn, thực tế hơn và… ít nợ hơn.