Kinh doanh

Bộ Công Thương đã có công hàm đề nghị Mỹ tạm hoãn quyết định áp thuế

Tóm tắt:
  • Bộ Công Thương cho rằng còn không gian để đàm phán với Mỹ nhằm đạt kết quả có lợi cho cả hai bên.
  • Việt Nam đã đề nghị Mỹ tạm hoãn áp thuế 46% đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam.
  • Mức thuế 46% của Mỹ được cho là thiếu căn cứ khoa học và không công bằng với nỗ lực của Việt Nam.
  • Doanh nghiệp Việt cần tận dụng 17 hiệp định thương mại tự do và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.
  • Bộ Công Thương khuyến nghị doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm và kiểm soát xuất xứ nguyên vật liệu.

Đó là chia sẻ của ông Tạ Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường nước ngoài (Bộ Công Thương) khi trao đổi với báo chí chiều 3/4.

Đã có Công hàm đề nghị Mỹ tạm hoãn quyết định áp thuế

Việt Nam và Mỹ là hai nền kinh tế mang tính chất bổ trợ, cơ cấu xuất khẩu và ngoại thương của hai nước không cạnh tranh trực tiếp mà có sự bổ sung cho nhau, phù hợp với nhu cầu nội tại của mỗi nước. Hàng hóa Việt Nam xuất sang Mỹ chủ yếu cạnh tranh với các nước thứ ba, không cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp Mỹ trên thị trường này. Ngược lại, hàng Việt xuất sang Mỹ còn tạo điều kiện để người tiêu dùng của quốc gia này được sử dụng hàng hóa giá rẻ.

“Thế nên, Bộ Công Thương lấy làm tiếc khi Mỹ thông báo áp thuế 46% đối với tất cả các hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, có hiệu lực từ ngày 9/4”, ông Linh nói.

Theo ông, mức thuế tối huệ quốc (MFN) trung bình mà Việt Nam áp đối với hàng hóa nhập khẩu hiện nay là 9,4%. Do đó, mức thuế đối ứng mà Mỹ dự kiến áp cho hàng hóa Việt Nam lên tới 46% là thiếu căn cứ khoa học và thực sự không công bằng, không phản ánh thiện chí và nỗ lực của Việt Nam trong suốt thời gian vừa qua trong việc xử lý tình trạng thâm hụt thương mại giữa hai nước.

W-sat thep.png
Theo ông Linh, Mỹ dự kiến áp cho hàng hóa Việt Nam lên tới 46% là thiếu căn cứ khoa học. Ảnh: Hoàng Hà

Hơn nữa, thời gian qua Chính phủ và các bộ ngành đã xử lý hàng loạt khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam, ban hành Nghị định hạ thuế MFN, trong đó 13 nhóm hàng có lợi thế của Mỹ được hưởng lợi. Ngoài ra, có rất nhiều dự án của Mỹ tại nước ta được quan tâm, giải quyết và tháo gỡ khó khăn vướng mắc.

Theo thông báo của Nhà Trắng, các mức thuế đối ứng mà Mỹ áp với các đối tác thương mại nhằm khắc phục bất công thương mại toàn cầu, đưa sản xuất trở lại nước này và củng cố an ninh quốc gia, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Được biết, các mức thuế sẽ được duy trì cho tới khi Mỹ xác định được mối đe dọa do thâm hụt thương mại và sự thiếu công bằng trong thương mại được giải quyết, khắc phục hoặc giảm nhẹ.

Vì vậy, Bộ Công Thương cho rằng, giữa hai bên còn không gian để trao đổi, đàm phán, để đi tới một kết quả hai bên cùng có lợi, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường nước ngoài cho hay.

Sáng nay (3/4), ngay sau khi Mỹ công bố áp thuế, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có Công hàm đề nghị phía Mỹ tạm hoãn quyết định áp thuế để dành thời gian trao đổi, tìm giải pháp hợp lý cho cả hai bên.

“Chúng tôi đang thu xếp một cuộc điện đàm giữa hai Bộ trưởng cũng như ở cấp kỹ thuật với các đồng nghiệp tại Cơ quan đại diện thương mại Hoa Kỳ (USTR) trong thời gian sớm nhất”, ông Linh thông tin thêm.

Doanh nghiệp Việt có cơ hội khai thác 87% thị trường còn lại của thế giới

Theo Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường nước ngoài, năm 2025, Bộ Công Thương đặt mục tiêu xuất khẩu tăng trưởng khoảng 12%, tương đương 450 tỷ USD. Mục tiêu này được đưa ra trong bối cảnh kinh tế toàn cầu phục hồi và Việt Nam tận dụng các hiệp định thương mại tự do đã ký kết.

Trong trường hợp Việt Nam - Mỹ không tìm được giải pháp tích cực thì việc áp thuế này sẽ tạo tác động tiêu cực nhất định đến mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu. Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề đã được Bộ này dự báo trước và có sự chuẩn bị. 

Theo đó, Bộ Công Thương đã có những kiến nghị Kế hoạch hành động cụ thể với Chính phủ và khuyến cáo cho doanh nghiệp để có các bước đi cần thiết một khi vấn đề xảy ra.

W-thuy san.png
Doanh nghiệp Việt cần tận dụng thế mạnh sẵn có là 17 FTA. Ảnh: Hoàng Hà

Dự báo, thời gian tới, hoạt động xuất khẩu của chúng ta sẽ gặp nhiều khó khăn. Do đó, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và doanh nghiệp để thực hiện hiệu quả các giải pháp đề ra để đạt được mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu của năm nay.

Bộ Công Thương cho rằng, phía doanh nghiệp xuất khẩu cần tận dụng thế mạnh sẵn có đó là 17 hiệp định thương mại tự do với trên 60 quốc gia, vùng lãnh thổ cùng 70 cơ chế hợp tác song phương.

Cùng với đó, doanh nghiệp cũng cần đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. 

Thị trường Mỹ chiếm 13% lượng hàng nhập khẩu toàn cầu nhưng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đây là một lợi thế nhưng cũng là điểm yếu của hoạt động xuất khẩu. 

Việt Nam còn nhiều cơ hội để khai thác 87% thị trường còn lại của thế giới, Bộ này sẽ tiếp tục nỗ lực mở đường xuất khẩu sang các thị trường mới còn nhiều dư địa.

Ông Linh thông tin, trước mắt Bộ Công Thương sẽ tiếp tục thúc đẩy đàm phán FTAs với các thị trường mới Trung Đông, Mỹ La tinh, Trung Á và nhiều thị trường mới nổi khác.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác xúc tiến thương mại và cải thiện cơ sở hạ tầng logistics nhằm giảm chi phí vận chuyển và nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam. Đồng thời, mở rộng hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn trong công tác kết nối giao thương, xúc tiến xuất khẩu.

Về dài hạn, Việt Nam sẽ phải tái cơ cấu nền kinh tế, đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm. Bởi, một nền xuất khẩu bền vững không thể chỉ dựa vào gia công, mà còn phải dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để nền kinh tế có sức chống chịu bền bỉ hơn, giảm thiểu tác động tiêu cực từ các cú sốc bên ngoài.

Bộ Công Thương đưa ra loạt khuyến nghị với doanh nghiệp

Trước hết, khai thác hiệu quả các thị trường trọng điểm, thị trường truyền thống, cũng như phát triển các thị trường nhỏ, thị trường ngách và khai mở những thị trường tiềm năng mới.

Thứ hai, nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm tăng khả năng cạnh tranh và giảm nguy cơ bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.

Thứ ba, kiểm soát xuất xứ nguyên vật liệu, đảm bảo tuân thủ các quy tắc xuất xứ trong FTAs và tránh rủi ro liên quan đến gian lận thương mại.

Thứ tư, các doanh nghiệp nâng cao nhận thức và khả năng ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại từ nước ngoài.

Thứ năm, chủ động cập nhật thông tin thị trường, thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin về thị trường và chính sách thương mại của các quốc gia, để kịp thời điều chỉnh chiến lược kinh doanh phù hợp.

Các tin khác

Miền Bắc mưa đến bao giờ?

Hôm nay (6/4), miền Bắc tiếp tục có mưa rào và dông rải rác, riêng vùng núi có mưa vừa đến mưa to. Dự báo hình thái này duy trì đến hết ngày 7/4. Khu vực Bắc Trung Bộ hôm nay cũng có mưa rải rác. Các khu vực khác ít mưa, hửng nắng, riêng Đông Nam Bộ có nắng nóng.

Trở lại ngôi vị giàu nhất thế giới, Elon Musk nắm giữ khối tài sản kỷ lục

Sau hai năm xếp thứ hai, Elon Musk chính thức giành lại vị trí người giàu nhất hành tinh trong danh sách tỷ phú thế giới của Forbes năm 2025. Không chỉ sở hữu khối tài sản kỷ lục 342 tỷ USD, Musk còn vươn lên thành một nhân vật có tầm ảnh hưởng chính trị lớn tại Mỹ, trở thành cố vấn thân cận của Tổng thống Donald Trump

Chubb Life cập nhật giá đơn vị Quỹ Liên kết Đơn vị - Sản phẩm Kế hoạch Tài chính Chủ động

Sản phẩm Bảo hiểm Liên kết Đơn vị - Kế hoạch Tài chính Chủ động được thiết kế với các tính năng ưu việt nhằm đáp ứng đồng thời cả hai nhu cầu: Bảo vệ và Đầu tư. Với thông điệp “Đầu tư vững tâm – Bảo vệ vững vàng”, sản phẩm Kế hoạch Tài chính Chủ động góp phần hoàn thiện danh mục giải pháp tài chính toàn diện của Chubb Life Việt Nam trên hành trình thực hiện sứ mệnh bảo vệ người trụ cột và gia đình Việt.

Vì sao giá lợn hơi tăng cao bất thường?

Việt Nam xếp thứ 4 trên thế giới về nhu cầu thịt lợn, ước tính lượng thịt lợn tiêu thụ/đầu người xấp xỉ 37 kg/người trong năm 2024. Chăn nuôi chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước góp phần khiến giá lợn tăng cao thời gian qua.

VRG ký kết hợp tác với Becamex và VSIP

Chiều ngày 3/4, tại trụ sở Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), Tập đoàn đã tổ chức Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác ba bên giữa VRG và Tổng Công ty Đầu tư & Phát triển Công nghiệp (Becamex) cùng Công ty Liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP), đánh dấu bước phát triển quan trọng trong mối quan hệ hợp tác giữa ba đơn vị giai đoạn 2025 - 2030.

Tin xem nhiều