Chiều ngày 03/7/2025, tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6/2025, Thiếu tướng Nguyễn Quốc Toản, Chánh Văn phòng Bộ, Người phát ngôn Bộ Công an đã thông tin về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Liên quan đến đường dây sản xuất, buôn bán dầu ăn giả mang thương hiệu Ofood, đại diện Bộ Công an cho biết cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án hình sự và bắt giữ 3 bị can, trong đó có bà Đặng Thị Phương (SN 1987) – Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Xuất nhập khẩu Nhật Minh Food bị khởi tố về tội Sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm.

Đặng Thị Phương, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất và xuất nhập khẩu Nhật Minh Food - Ảnh: VTV
Ngoài ra, Nguyễn Trọng Năng (điều hành, đại diện theo pháp luật Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thực phẩm Minh Phú và Công ty TNHH sản xuất và thương mại An Dương) và Đỗ Thị Ngọc Mai (đại diện pháp luật Công ty TNHH thương mại xuất nhập khẩu An Hưng Phước và Công ty TNHH xuất nhập khẩu nông sản Phước Thành) bị khởi tố về hành vi buôn lậu.
Thiếu tướng Nguyễn Quốc Toản, Chánh Văn phòng Bộ Công an, cho biết diễn biến những vụ việc này còn rất phức tạp, thủ đoạn vi phạm hết sức tinh vi, từ khâu chuẩn bị thành lập các công ty bình phong và hệ sinh thái đến hoạt động nhập nguyên liệu, sản xuất hàng giả, tổ chức quảng cáo, tiêu thụ. Vụ án đang tiếp tục được mở rộng điều tra để làm rõ trách nhiệm của các đối tượng liên quan, đồng thời truy xét các đầu mối tiêu thụ sản phẩm trên phạm vi toàn quốc.
"Vụ này có tính chất hết sức nguy hiểm, chưa đánh giá hết hệ lụy sức khỏe người dùng", ông Toản nhấn mạnh và dẫn chứng, sản phẩm Ofood đã đi vào các bữa ăn hàng ngày.

Thiếu tướng Nguyễn Quốc Toản, Chánh Văn phòng Bộ, Người phát ngôn Bộ Công an phát biểu tại Họp báo - Ảnh: Bộ Công an
Theo điều tra, công ty do bà Phương điều hành đã nhập khẩu dầu ăn nguyên liệu loại dùng trong chăn nuôi và công nghiệp, sau đó tổ chức sang chiết, đóng gói và phân phối ra thị trường dưới nhãn hiệu Ofood – dầu ăn dành cho người tiêu dùng.
Nhóm chủ mưu sử dụng đường ống ngầm để bơm dầu từ bồn chứa nguyên liệu dành cho vật nuôi sang bồn chứa dầu dùng cho người.
Sản phẩm sau đó được đưa vào các bếp ăn công nghiệp, nhà hàng, trường học tại nhiều địa phương.
Số lượng dầu ăn giả được tiêu thụ lên đến hàng chục ngàn tấn, trong đó nhiều lô hàng có dấu hiệu chứa tạp chất, không đạt quy chuẩn an toàn thực phẩm.
Hiện các cơ quan chức năng đã thu giữ nhiều lô dầu nguyên liệu, mẫu tem nhãn, thiết bị đóng gói và hóa đơn chứng từ giả để phục vụ công tác giám định và điều tra.

Sản phẩm dầu ăn có nguyên liệu loại dùng trong chăn nuôi - Ảnh: VTV
Sau khi VTV đưa tin về dầu ăn Ofood, Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế đã lên tiếng cảnh báo đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng quy định về an toàn thực phẩm, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.
Cục cũng khuyến cáo các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, đặc biệt là bếp ăn tập thể và đơn vị cung cấp suất ăn sẵn yêu cầu nhà cung cấp làm rõ hồ sơ công bố, hồ sơ nguyên liệu của sản phẩm, không chỉ dựa vào bao bì, nhãn mác.