Theo SamMobile, sau nhiều tuần đàm phán, chính quyền Việt Nam và Mỹ đã đạt được một thỏa thuận thương mại quan trọng, giúp hạ nhiệt đáng kể áp lực thuế quan. Theo đó, mức thuế 20% mới sẽ được áp dụng thay cho mức 46% được Mỹ đưa ra trước đó. Đây là một tin tức quan trọng đối với Samsung, giúp gã khổng lồ công nghệ thoát khỏi một 'thảm họa' tiềm tàng và người dùng Mỹ có thể tạm thời chưa phải lo lắng về việc giá điện thoại Galaxy tăng vọt.

Samsung 'thở phào' nhờ thỏa thuận thuế quan 20% của Mỹ dành cho Việt Nam
ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH SAMMOBILE
Samsung từng 'lo sốt vó' vì mức thuế quan 46% áp lên Việt Nam
Vào tháng 4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố kế hoạch áp thuế sâu rộng, trong đó các sản phẩm từ Việt Nam - nơi đặt các nhà máy sản xuất điện thoại Samsung lớn nhất thế giới - phải đối mặt với mức thuế lên tới 46%. Mức thuế này sẽ là một đòn giáng mạnh, buộc Samsung phải đứng trước hai lựa chọn tồi tệ: Hoặc 'ngậm bồ hòn làm ngọt' gánh chịu chi phí để giảm biên lợi nhuận, hoặc tăng giá bán sản phẩm, gây ảnh hưởng trực tiếp đến khách hàng tại Mỹ.
Tuy nhiên, sau 90 ngày tạm dừng để đàm phán, thỏa thuận mới với mức thuế 20% đã được ký kết, giúp Samsung tránh khỏi kịch bản tồi tệ nhất ở thời điểm hiện tại. Với mức thuế này, nhiều khả năng Samsung có thể tự cân đối chi phí để giữ giá bán các thiết bị của mình ổn định tại thị trường Mỹ.
Điều thú vị là Samsung không hoàn toàn đặt cược vào kết quả đàm phán với Việt Nam. Gã khổng lồ Hàn Quốc đã chuẩn bị sẵn một kế hoạch B khi dự kiến chuyển một phần hoạt động sản xuất các thiết bị dành cho thị trường Mỹ sang nhà máy của họ tại Ấn Độ.
Kế hoạch này vẫn đang được để ngỏ. Nếu trong các cuộc đàm phán sắp tới, Mỹ đưa ra một mức thuế cho Ấn Độ thấp hơn con số 20% của Việt Nam, Samsung có thể triển khai kế hoạch này để tối ưu hóa chi phí trong bối cảnh chế độ thuế quan mới.
Hiện tại, thỏa thuận mới đã mang lại sự nhẹ nhõm cần thiết. Mặc dù Tổng thống Trump từng đề cập đến ý tưởng áp thuế 25% lên tất cả điện thoại sản xuất ở nước ngoài, bao gồm cả Apple và Samsung, nhưng khả năng này được cho là rất mong manh vì Mỹ vốn thiếu hệ sinh thái và chuỗi cung ứng cần thiết để hỗ trợ sản xuất ở quy mô lớn.