Theo CNBC, bitcoin (BTC) giảm xuống khoảng 17.749 USD và Ethereum (ETH) chạm mốc 897 USD vào khoảng 3h15 sáng 19/6 (giờ Việt Nam). Hai loại tiền mã hóa phổ biến nhất trên thế giới giảm hơn 35% trong tuần qua.
Tới 7h45 sáng ngày 19/6, BTC đã quay lại mốc 19.050 USD trong thi ETH hồi phục lên 994 USD.
Đợt bán tháo trong thị trường tiền mã hóa tử một phần do áp lực vĩ mô, bao gồm lạm phát phi mã và các đợt tăng lãi suất liên tiếp của Fed.
Việc các công ty tiền mã hóa sa thải một lượng lớn nhân viên đang đổ thêm dầu vào lửa. Trong khi đó, một số tên tuổi lớn nhất trong ngành đang phải đối mặt với tình trạng suy giảm khả năng thanh toán.
Bitcoin đạt đỉnh 68.789,63 USD vào tháng 11/2021. Ethereum chạm đỉnh 4.891,70 USD cùng tháng đó. Lần cuối cùng mà BTC chạm mức thấp như rạng sáng nay là tháng 12/2020.
Vậy chuyện gì đã xảy ra với thị trường trong tuần qua?
Bitcoin mất 17% giá trị trong ngày thứ Hai
Tuần mới bắt đầu bằng việc giá tiền mã hóa giảm mạnh và có lúc BTC đã mất đi 17% giá trị.
Trong sự hỗn loạn, Celsius, một công ty cho vay tiền mã hóa lớn, đã gây chấn động thị trường khi thông báo rằng tất cả các hoạt động rút tiền, hoán đổi và chuyển tiền giữa các tài khoản đã bị tạm dừng do “điều kiện thị trường khắc nghiệt”.
Nền tảng này cũng cho biết động thái trên được thiết kế để “ổn định thanh khoản và hoạt động”.
Celsius đã khóa 12 tỷ USD tài sản tiền mã hóa đang được quản lý, làm dấy lên lo ngại về khả năng thanh toán của nền tảng. Tin tức đã lan truyền khắp ngành công nghiệp, nhắc nhở sự kiện xảy ra vào tháng trước, khi đồn tiền ổn định (stablecoin) của dự án LUNA mất đi đi 60 tỷ USD vốn hóa, kéo theo cả ngành công nghiệp bị ảnh hưởng.
Celsius cung cấp cho người dùng lợi tức lên tới 18,63% trên các khoản tiền gửi. Đơn vị này có sản phẩm giống như ngân hàng, ngoại trừ việc không bị bất cứ chính sách, quy định nào ràng buộc.
John Todaro, phó chủ tịch nghiên cứu blockchain và tài sản tiền số của Needham cho biết: “Rủi ro này chắc chắn có vẻ như mới chỉ là bắt đầu”.
Các công ty tiền số đồng loạt cắt giảm lượng lớn nhân sự
Thị trường tiền mã hóa dường như ổn định vào thứ Ba, với BTC dao động ở mức khoảng 22.000 USD và ETH ở khoảng 1.100 USD.
Các nhà đầu tư đang đánh giá sự suy giảm của Celsius. Trong khi đó, một công ty tiền mã hóa khác đã tham gia vào danh sách ngày càng tăng các công ty cắt giảm nhân viên để cố gắng tăng lợi nhuận.
Coinbase thông báo sa thải gần 1/5 lực lượng lao động do sự biến động của tiền mã hóa. Công ty trước đó đã cắt giảm chi tiêu và thậm chí hủy bỏ các lời mời nhận việc với hy vọng ổn định hoạt động kinh doanh của mình.
“Báo cáo lạm phát được công bố gần đây đã khiến nhiều người ngạc nhiên”, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Emilie Choi giải thích. Ông Choi tiếp tục: “Với những gì đang diễn ra trong nền kinh tế, đây là động thái nên làm thận trọng nhất”.
Các công ty tiền mã hóa trên toàn thế giới đang tìm cách cắt giảm chi phí, khi các nhà đầu tư rút khỏi các tài sản rủi ro nhất, kéo khối lượng giao dịch giảm.
Crypto.com gần đây đã thông báo sa thải 260 nhân viên, Gemini cho biết sẽ cắt giảm 10% lực lượng lao động.
Thứ Tư: Lo ngại về tình trạng sử dụng nợ vay để mua bitcoin của MicroStrategy, Fed nâng lãi suất
Giám đốc điều hành của MicroStrategy, Michael Saylor, đã xuất hiện trên CNBC vào sáng 15/6 để thảo luận về những lo ngại xung quanh vụ đặt cược 4 tỷ USD của ông vào BTC.
MicroStrategy đã sử dụng nợ của công ty để mua BTC. Vào tháng 3, ông Saylor đã vay 205 triệu USD bằng cách sử dụng bitcoin của mình làm tài sản thế chấp để sau đó mua thêm tiền mã hóa.
“Chúng tôi có 5 tỷ USD tài sản thế chấp. Chúng tôi đã vay 200 triệu USD. Tôi nghĩ rằng những gì tôi đang làm là cố gắng hết sức để dẫn đầu và xây dựng ngành tài chính được hỗ trợ bởi bitcoin”, ông Saylor cho biết.
Khi giá bitcoin giảm mạnh trong tuần này, các nhà đầu tư lo lắng rằng MicroStrategy sẽ phải thế chấp nhiều tài sản hơn cho khoản vay của mình, nhưng CEO Saylor nói rằng những lo ngại đã bị thổi phồng quá mức.
Sau đó, vào chiều 15/6, Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đã nâng lãi suất 75 điểm cơ bản trong đợt tăng mạnh nhất kể từ năm 1994. Fed cho biết động thái này được nhằm nỗ lực kiềm chế lạm phát.
Giá tiền mã hóa ban đầu tăng theo tin tức này khi các nhà đầu tư hy vọng Mỹ có thể tránh được một cuộc suy thoái, nhưng đợt tăng giá đó chỉ tồn tại trong thời gian ngắn.
Thứ Năm: Bitcoin giảm xuống mức thấp nhất từ cuối năm 2020
Thị trường trở lại sắc đỏ vào ngày 16/6. Bitcoin đã giảm xuống khoảng 20.000 USD, mức giá thấp nhất kể từ cuối năm 2020.
Sự kiện này gắn liền với việc bán tháo trên Phố Wall, trong đó chỉ số Dow giảm 700 điểm xuống mức thấp nhất trong hơn một năm.
Có vẻ như các nhà đầu tư không thể rũ bỏ nỗi lo suy thoái và một số người nói rằng có thể mất thời gian để tiền mã hóa phục hồi sau đợt bán tháo các tài sản rủi ro.
Bà Jill Gunter, đồng sáng lập và giám đốc chiến lược của Espresso Systems cho biết: “Tôi nghĩ rằng chúng ta đang ở trong một giai đoạn sụt giảm vốn kéo dài”. Bà Gunter cho biết thêm rằng, theo nhiều cách, những gì đang diễn ra là “sự rửa trôi lành mạnh”.
“Người ta không muốn, với tư cách là một nhà xây dựng, với tư cách là một nhà đầu tư dài hạn ... ở trong một thị trường được thúc đẩy chỉ bởi hành động giá ngắn hạn, bởi sự đầu cơ, như tiền mã hóa trong vài năm qua”, bà nói tiếp.
Thứ Sáu và thứ Bảy: Thị trường sụt giảm chóng mặt
Sự sụt giảm trên thị trường tiền mã hóa không có dấu hiệu chậm lại, khi BTC và ETH tiếp tục bị bán tháo với tốc độ chóng mặt vào chiều thứ 18/6.
Các quỹ đầu cơ tiền mã và các doanh nghiệp phải đối mặt với những câu hỏi ngày càng tăng về nguy cơ mất khả năng thanh toán.
“Bất ổn về tài chính xay ra vì đòn bẩy không rõ ràng Không thể biết tất cả những rủi ro đang hình thành từ đâu”, Giám đốc điều hành & Đồng sáng lập Paxos, ông Charles Cascarilla nói với CNBC.
Tuy nhiên, Cascarilla cũng nói rằng các nhà đầu tư vẫn đang tìm kiếm các khoản đầu tư tiền mã hóa chất lượng.
Ông nói: “Công nghệ cơ bản và tính ứng dụng, các tổ chức sắp thành lập, cách đưa hệ thống tài chính hoạt động với tốc độ của internet, đó là những điều cần phải xảy ra”.