Báo cáo của Sở Tài chính Bình Thuận, ngày 21.4 cho thấy, nhiều chủ đầu tư thực hiện việc giải ngân vốn đầu tư công rất chậm, chậm hơn cả mức trung bình của tỉnh. Theo Sở Tài chính, tổng vốn đầu tư công được Chính phủ giao cho Bình Thuận trong năm 2025 là 4.942 tỉ đồng; đến nay UBND tỉnh đã phân bổ chi tiết kế hoạch vốn cho các chủ đầu tư. Mặc dù liên tục đốc thúc, nhưng đến ngày 17.4, mới chỉ giải ngân được 514 tỉ đồng, đạt 10,2% kế hoạch vốn.
Đối với các dự án do UBND các huyện, thị xã, thành phố làm chủ đầu tư, tổng kế hoạch vốn là 2.464 tỉ đồng, giải ngân đạt 288 tỉ đồng, đạt gần 12%. Đối với các dự án do các ban quản lý dự án đầu tư xây dựng cấp tỉnh làm chủ đầu tư, tổng kế hoạch vốn 2.006 tỉ đồng, giải ngân đạt 165 tỉ đồng, chỉ đạt 8,26%. Các dự án do sở, ngành làm chủ đầu tư, kế hoạch vốn hơn 287 tỉ đồng, giải ngân hơn 36 tỉ đồng, đạt 10,6%.

Khu vực ven biển Bình Thuận cũng là nơi còn nhiều dự án chậm tiến độ
ẢNH: Q.H
Khó khăn trong khâu giải phóng mặt bằng
Theo giải thích của Sở Tài chính Bình Thuận, nguyên nhân của tình trạng giải ngân chậm từ các chủ đầu tư là do vướng đền bù, giải phóng mặt bằng. Có đến 24 dự án đang triển khai đều không giải ngân được do không giải phóng được mặt bằng để bàn giao thi công.
Cái khó khăn nữa vẫn là việc xác định giá đất, nguồn gốc đất, khiến người bị thu hồi đất không đồng ý với giá bồi thường (việc giải ngân cho công tác đền bù, tái định cư năm 2025 mới chỉ đạt 1,06%). Riêng các dự án khởi công năm 2025, được bố trí vốn 1.151,6 tỉ đồng, nhưng mới giải ngân được 33,2 tỉ đồng (đạt khoảng 3,4%).

Giám đốc Sở Tài chính Bình Thuận Phan Thế Hanh báo cáo nguyên nhân chậm giải ngân vốn đầu tư công
ẢNH: T.T.DÂN
Đặc biệt, ngay cả việc giải ngân vốn ODA chỉ đạt trên 2% kế hoạch. Sở Tài chính kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh phê bình: UBND huyện Tuy Phong (giải ngân chỉ đạt 5,8%), UBND TP.Phan Thiết (chỉ đạt 3,73%), BQL các công trình giao thông tỉnh (chỉ đạt 5,51%), BQL dự án đầu tư xây dựng nông nghiệp nông thôn (chỉ đạt 5,52%), Sở NN và MT (chỉ đạt 6%), Công ty MTV khai thác công trình thủy lợi (chỉ đạt 2%).
Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hồng Hải, khẳng định việc giải ngân chậm làm ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ các công trình quan trọng của tỉnh. Ông Hải phê bình và yêu cầu các chủ đầu tư cần nghiêm túc thực hiện kế hoạch giải ngân do tỉnh giao.

Cầu Văn Thánh bắc qua sông Cà Ty là dự án chậm tiến độ do không giải phóng được mặt bằng
ẢNH: HỮU TRI
Đối với các dự án dự kiến hoàn thành trong năm nay, phải khẩn trương nghiệm thu để thanh, quyết toán. Đặc biệt chú trọng tháo gỡ công tác đền bù, giải phóng mặt bằng; trong đó chú ý tập trung vào các dự án, công trình lớn của tỉnh như chung cư sông Cà Ty, hồ chứa nước Ka Pét, cầu Văn Thánh.
Trước đó, ngày 14.4, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Bình Thuận đã gửi văn bản mời các công ty thẩm định giá tham gia tư vấn, xác định giá đất làm cơ sở tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với các dự án trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Tuy nhiên, đối với 14 dự án mà sở này cần thuê đơn vị tư vấn giá đất, vẫn chưa tìm được đơn vị nào để hợp đồng.