Gốm, sơn mài là những làng nghề truyền thống đã có từ lâu đời trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Những làng nghề này không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà nhiều năm qua sản xuất cả các mẫu mã đặc biệt cho xuất khẩu. Chia sẻ với đoàn công tác của Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương - Nguyễn Văn Lợi mới đây, đại diện các cơ sở làm gốm trên địa bàn TP Thuận An cho biết các mặt hàng gốm đã chinh phục được các thị trường khó tính như Pháp, Đức, Italy, các nước Đông Âu...
Theo ông Lý Ngọc Minh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Minh Long I, sản xuất gốm sứ là ngành nghề khó khăn, muốn có kết quả tốt phải kiên trì bền bỉ. Các doanh nghiệp gốm truyền thống muốn bán được hàng phải đổi mới sáng tạo, ứng dụng kỹ thuật cao để tạo ra các sản phẩm độc đáo, mới lạ, hợp thị hiếu.
Tương tự với sơn mài, ông Thái Kim Điền - Chủ tịch Hiệp hội Sơn mài - Điêu khắc tỉnh Bình Dương cho biết, làng nghề Tương Bình Hiệp là nét đẹp văn hóa của tỉnh với hơn 100 năm làm nghề. Các thể loại sơn mài như cẩn ốc, cẩn trứng, thiếp vàng vẽ nối, khắc trũng... của Bình Dương được dùng nhiều trong các cơ sở thờ tự, trang trí nhà cửa, các buổi tiếp nguyên thủ quốc gia.
Dù gắn liền với nét đẹp văn hóa truyền thống, vài năm qua, các làng nghề gặp nhiều khó khăn do sự đi xuống của thị trường, kinh tế.
Đại diện Hiệp hội gốm Bình Dương cho biết các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu có quy mô gia đình nên mô hình quản lý còn theo kiểu truyền thống, chưa bắt kịp xu hướng, dễ chịu tác động bởi thị trường. Trong hai quý đầu năm 2023 các doanh nghiệp hầu như không có đơn hàng mới, chỉ có một số đơn từ năm trước. Quý III bắt đầu có đơn hàng nhưng số lượng chỉ bằng 50% cùng kỳ. Số lượng lao động trong ngành gốm sứ giảm khoảng 30%, trong đó có nhiều lao động có tay nghề. Đây là trăn trở lớn của người làm gốm vì lao động có tay nghề phải qua quá trình đào tạo dài, yêu thích thủ công mỹ nghệ. Các doanh nghiệp lo lắng khi đơn hàng trở lại sẽ khó tuyển lao động chất lượng.
Khó khăn khác của nghề gốm sứ là việc di dời các doanh nghiệp vào khu, cụm công nghiệp theo chủ trương của tỉnh. Theo hiệp hội, việc di dời gặp khó khăn do thiếu thợ có tay nghề cao. Đa số lao động gắn bó lâu năm và định cư ở nơi sản xuất cũ. Khó khăn về vốn di dời, xây dựng nhà máy mới cũng được trình bày với lãnh đạo tỉnh Bình Dương.
Trước khó khăn, đại diện Hiệp hội gốm bày tỏ mong muốn được tỉnh hỗ trợ các chính sách ưu đãi về giá thuê đất, tạo điều kiện về địa điểm sản xuất mới gần làng nghề, nguồn nguyên liệu, thuận lợi cho di chuyển. Hiệp hội cũng mong muốn có giải pháp để đảm bảo số lượng thợ có tay nghề.
Trong khi đó, Hiệp hội Sơn mài - Điêu khắc mong muốn tỉnh sớm triển khai đề án "Bảo tồn và phát triển làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp kết hợp với du lịch". Đề án được hình thành từ năm 2017 sau khi làng nghề sơn mài ở Tương Bình Hiệp được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, nhưng đến nay vẫn chưa triển khai. Theo người làm nghề, đề án không chỉ giúp giới thiệu nét đẹp văn hóa, bảo tồn nghề sơn mài mà còn tạo ra điểm nhấn khi du khách có thể trực tiếp tham gia vào quy trình sản xuất.
Lãnh đạo tỉnh đánh giá cao vai trò của và nỗ lực của các nghệ nhân trong giữ gìn và phát huy nghề truyền thống. Vị này cho biết tỉnh nghiên cứu, áp dụng các chính sách về đất đai, lao động, xúc tiến thương mại để thúc đẩy sự phát triển của các làng nghề. Với đề án bảo tồn nghề sơn mài, ông Lợi đề nghị TP Thủ Dầu Một rà soát, bổ sung các nội dung phù hợp để sớm đưa đề án vào hoạt động.
Để phát triển các nghề truyền thống, bí thư tỉnh ủy đề xuất các doanh nghiệp phát triển các showroom, phòng trưng bày trở thành "bảo tàng" sản phẩm truyền thống. nghiên cứu ý tưởng đầu tư con đường gốm sứ, sơn mài để giới thiệu quảng bá các công trình, tác phẩm nghề. Ngoài ra, các nghề này cũng có thể gắn liền với các trường học, trường nghề, mở các buổi giới thiệu, trải nghiệm cho học sinh, sinh viên.