Giá biệt thự, liền kề bất ngờ tăng mạnh sau 2 – 3 năm
Anh Minh (Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay, một người chị gái mới chuyển công việc từ TP HCM ra Hà Nội đã nhờ anh tìm mua căn liền kề khu vực Mỹ Đình, Bắc Từ Liêm. Tuy nhiên, từ đầu tháng 7 tới nay anh chưa chốt được căn nào vì giá nhà tăng chóng mặt.
“Sau một thời gian tìm kiếm qua các sàn bất động sản và đi thực tế, tôi và bà chị phát hoảng với mức giá liền kề, biệt thự thời điểm hiện tại. Tại quận Nam Từ Liêm, nhiều căn tăng vài tỷ đồng, thậm chí gấp đôi so với thời điểm cuối năm ngoái. Gia đình chị tôi đành tạm thuê nhà ở thay vì ý định ráo riết tìm mua như trước”, anh Minh nói.
Biệt thự, liền kề đồng loạt tăng giá sau hàng chục năm "ngủ quên"
Điều đáng nói, nhiều khu liền kề dù ở tình trạng bỏ hoang hàng chục năm và nằm ở xa trung tâm Hà Nội, nhưng vẫn được chào bán mức giá trên trời.
Anh Khoa – một khách hàng khác chia sẻ, dự trù 10 tỷ tiền mặt nhưng tôi không thể tìm mua được một căn nhà liền kề nào trong các khu đô thị tại khu vực quận Hoàng Mai. Theo anh Khoa, giá nhà liền kề ở đây đang dao động từ 130 - 200 triệu đồng/m2.
"Hiện tại một căn liền kề 80m2, xây thô 4 tầng tại dự án khu nhà ở ngõ 79 Thanh Đàm (Hoàng Mai) đang trong tình trạng bỏ hoang nhiều năm, chưa có Giấy chứng nhận quyền sở hữu (sổ đỏ), nhưng vẫn được hét giá 9-10 tỷ đồng. Theo tìm hiểu của tôi, giá này đã cao gấp đôi so với thời điểm năm 2019", anh Khoa chia sẻ.
Nhiều căn liền kề cỏ mọc hoang, bất ngờ có giá chào bán tăng gấp đôi so với trước dịch
Nói về thị trường phân khúc này, anh Công – một môi giới BĐS chuyên phân khúc nhà ở cao cấp tại Hà Nội cho hay, nhà ở liền kề và biệt thự tại Hà Nội luôn là phân khúc có sự quan tâm lớn, đặc biệt trong vài tháng gần đây giá loại hình bất động sản này liên tục tăng cao. Không hiếm các căn liền kề tại khu vực quận Hoàng Mai, Hà Đông năm 2018 có giá 7 tỷ đồng, nhưng giờ đang được rao bán với giá 15-16 tỷ đồng.
"Không chỉ khu vực các quận trung tâm, nhà liền kề tăng giá nhanh ở các khu vực huyện Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh. Trong đó việc tăng giá ở các khu vực này còn nhanh hơn khu vực trung tâm, cá biệt có nơi tăng gấp 3-4 lần giá thời điểm trước khi diễn ra dịch Covid-19", anh Công chia sẻ.
Khảo sát qua các sàn bất động sản cho thấy, giá bất động sản 2 năm trở lại đây liên tục tăng nhanh. Đặc biệt, phân khúc biệt thự, nhà liền kề tại các quận, huyện ven trung tâm của Hà Nội như Hoài Đức, Xuân Phương, Gia Lâm,... các căn đã được rao bán với giá tăng cả chục tỷ đồng so với thời điểm năm 2019.
Nghịch lý: giá tăng nhưng giao dịch ảm đạm
Liên quan về tốc độ tăng giá của biệt thự, liền kề, báo cáo mới đây của Savills Việt Nam cho thấy, trong quý II năm nay, Hà Nội chỉ có 146 căn biệt thự, nhà liền kề mới, giảm 82% theo quý và 84% theo năm. Nguồn cung sơ cấp toàn thị trường ở mức thấp nhất trong vòng 5 năm vừa qua, ở mức 993 căn, giảm 34% theo quý và 49% theo năm.
Giá bán biệt thự, liền kề đồng loạt tăng cao nhưng lượng giao dịch thì thưa vắng
Đơn vị nghiên cứu thị trường trên cho biết, nửa đầu năm nay chứng kiến sự tăng trưởng mạnh ở giá bán thứ cấp. Giá biệt thự tăng 37%, giá shophouse tăng 22% và giá liền kề tăng 20%. So với năm 2018, giá bán biệt thự đã tăng gấp đôi, giá liền kề cũng ghi nhận tăng 67%.
Trong khi đó, lượng giao dịch giảm 55% theo quý và 72% theo năm khi chỉ có 302 giao dịch được ghi nhận tính đến quý II. Tỷ lệ hấp thụ theo quý chỉ ở mức 30%, giảm 14% theo quý và 25% theo năm. Tỷ lệ hấp thụ cho nguồn cung mới chỉ có 14%.
Huyện Gia Lâm có lượng giao dịch nhiều nhất với 69% thị phần, theo sau là Hà Đông với 15%. Theo nhận định từ chuyên gia Savills, người mua đang có xu hướng dịch chuyển sang các dự án tại tỉnh vệ tinh như Hưng Yên, vì nguồn cầu chưa được đáp ứng tại Hà Nội.
Tương tự, Báo cáo của trang thông tin Batdongsan.com.vn cho thấy, người mua đang giảm sự quan tâm đối với thị trường nhà đất tại Hà Nội khi lượng quan tâm tới thị trường biệt thự, liền kề giảm 11% theo năm và 14% theo năm đối với shophouse.
Lý giải rõ hơn về nguyên nhân khiến giá bất động sản vẫn cứ cao dù thanh khoản kém, ông Nguyễn Quốc Anh - Phó tổng giám đốc Batdongsan.com.vn thông tin: “Kỳ vọng của nhiều nhà đầu tư là dài và trung hạn. Do vậy, người ta không bị yếu tố ngắn hạn ảnh hưởng khiến phải bán tháo tài sản. Ví dụ, tôi xác định đầu tư một bất động sản giá 10 tỷ đồng trong 5 năm, không có nghĩa khi thấy thị trường xấu là tôi bán ngay 7 tỷ đồng. Điều đó lý giải rất nhiều cho việc từ Covid-19 đến nay giá bất động sản vẫn cứ tăng mạnh", ông Nguyễn Quốc Anh nói.