Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh vừa ký Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải (GTVT).
Trong đó, đáng chú ý là việc tách Tổng cục Đường bộ Việt Nam thành 2 Cục: Đường bộ Việt Nam và Đường cao tốc Việt Nam.
Cụ thể, cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông Vận tải sẽ gồm có 18 cục, vụ, đơn vị chức năng và 5 đơn vị hành chính sự nghiệp, áp dụng từ ngày 1/10/2022.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải sẽ là người quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Đường bộ Việt Nam và Cục Đường cao tốc Việt Nam, bảo đảm kế thừa các nhiệm vụ, quyền hạn của Tổng cục Đường bộ Việt Nam theo quy định của pháp luật và điều ước quốc tế.
Theo đề án Bộ Giao thông Vận tải xây dựng, Cục Đường cao tốc Việt Nam được xác định là tổ chức thực hiện chức năng tham mưu, quản lý đầu tư, xây dựng và khai thác các dự án đường bộ cao tốc thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Giao thông Vận tải.
Cục Đường bộ sẽ theo dõi, bảo trì, khai thác và quản lý nhà nước trên các tuyến cao tốc hiện có, gồm 209km do nhà nước đầu tư; 245km theo hình thức BOT và khoảng 773km do địa phương và Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam đầu tư.
Với Cục Đường cao tốc, tổ chức này sẽ có thể là đơn vị khai thác (tổ chức thu phí) một số tuyến đường cao tốc xây dựng bằng hình thức đầu tư công; tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, thực hiện phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật...
Trước đó, đề án tách Tổng cục Đường bộ Việt Nam thành Cục Đường bộ và Cục Đường cao tốc từng gây xôn xao dư luận.
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Bộ GTVT đã có những báo cáo để làm sao giữ lại mô hình Tổng cục Đường bộ Việt Nam, tuy nhiên không khả thi do Tổng cục Đường bộ Việt Nam có một tiêu chí chưa đáp ứng đầy đủ liên quan đến việc được giao ngành, lĩnh vực tập trung, không phân cấp cho địa phương.