Bùi Thùy Trang, 23 tuổi ở Hoàng Mai, chuyên viết bài quảng cáo trên một nền tảng quốc tế. Cô đánh giá ChatGPT là công cụ hỗ trợ tốt cho những người làm nội dung, giúp đưa ra ý tưởng marketing trong đa lĩnh vực. Thay vì phải tốn nhiều thời gian để tìm tòi, cô có thể nhờ siêu AI gợi ý, sau đó phát triển sâu hơn dựa trên những thông tin thô sơ đó.
Trong một lần gửi sản phẩm, khách hàng nước ngoài hỏi cô về vấn đề sử dụng ChatGPT để dựng dàn bài. Trang thành thật xác nhận. Tuy nhiên, điều cô bất ngờ là khách nói bài viết sao chép và không xứng nhận tiền công. Sau nhiều bước xử lý, cô mới đạt được thỏa thuận thanh toán 50% số tiền.
Trang cho biết ChatGPT chỉ là công cụ hỗ trợ, giúp tổng hợp thông tin nhưng cô lại bị gán mác đạo nhái, làm việc không dựa trên chất xám của bản thân. "May mắn là nền tảng có chính sách bảo vệ cho các freelancer nên tôi mới nhận được một nửa số tiền", Trang nói.
Sơn Bách, 28 tuổi ở Bình Định, chuyên dựng kịch bản cho khách hàng trên YouTube, cũng gặp tình cảnh tương tự. "Tôi từng không được nhận tiền thù lao cho một kịch bản được dựng từ gợi ý của ChatGPT vì bị cho là thiếu tính sáng tạo", anh nói.
Nhiều người dùng ở Việt Nam và trên thế giới đang sử dụng ChatGPT và những chatbot AI khác trong việc nghiên cứu, tìm ý tưởng hoặc nâng cao năng suất. Tuy nhiên, theo Major Impact Media, khi khách hàng vô tình phát hiện ra thành quả họ nhận về có sự tham gia của trí tuệ nhân tạo, họ sẽ có tâm lý không coi trọng và từ chối trả tiền cho sản phẩm.
Ông Hùng Thắng, kỹ sư dữ liệu lớn và thị giác máy tính tại Viện nghiên cứu TITUS (Đức), cho biết các trường hợp không nhận được tiền công do sử dụng ChatGPT vào công việc diễn ra khá phổ biến ở Đức. "Những khách hàng mong muốn nhận được nội dung có tính sáng tạo cao, hoặc những người 'truyền thống' sẽ không hài lòng nếu thấy người được thuê lại dùng ChatGPT. Họ có quyền từ chối sản phẩm nếu trong thỏa thuận của dự án trước đó không đề cập đến sự tham gia của AI", ông Thắng nói.
Bên cạnh đó, công cụ AI có thể mắc lỗi nghiêm trọng như bịa đặt thông tin khi dữ liệu không đủ mà người dùng không hay biết, hoặc vướng vào tài liệu độc quyền. Thực tế, phản hồi của chatbot AI được tổng hợp từ kho dữ liệu đào tạo khổng lồ vốn chứa cả thông tin đúng và sai, nên nó có thể trích dẫn từ nguồn thiếu chính xác.
Jeff Maggioncalda, Giám đốc điều hành của nền tảng học trực tuyến Coursera, nhận định ChatGPT là một trợ lý tuyệt vời khi hỗ trợ các tác vụ. Tuy nhiên, đối với công việc đòi hỏi chuyên môn cao, người dùng chỉ nên dừng ở mức tham khảo, thay vì phụ thuộc vào chatbot AI.
Trong khi đó, nhiều công ty, tổ chức lo ngại việc lạm dụng ChatGPT trong công việc khiến nhân viên rơi vào tình trạng lười suy nghĩ. Họ sẽ sa đà vào việc tinh chỉnh từ ngữ để hỏi đi hỏi lại AI cho tới khi nhận được câu trả lời phù hợp. Tuy nhiên, chatbot dựa trên AI có thể được sử dụng để tự động hóa một số nhiệm vụ, nhưng không có kỹ năng như con người về tư duy phản biện, sáng tạo hoặc ra quyết định chiến lược.
Giáo sư Alex Lawrence tại Đại học Weber State coi chatbot AI là công cụ gian lận nguy hiểm nhất từng được tạo ra. Nó khiến tỷ lệ sinh viên đạo văn, sao chép và lười học hỏi tăng mạnh gần đây. "Tôi hy vọng chúng ta sẽ được truyền cảm hứng để tìm tòi và học cách tận dụng công nghệ mới, chứ không tìm cách gian lận tốt hơn", ông cho biết.
Đầu tháng 2, OpenAI, công ty phát triển ChatGPT, thông báo sẽ phát triển tính năng phát hiện văn bản viết bởi AI trong bối cảnh công cụ này bị lạm dụng vào công việc, học tập. Tuy nhiên, nó mới chỉ phát hiện được 26% văn bản viết bằng trí tuệ nhân tạo và tỷ lệ nhận nhầm 9% nội dung.
Trong khi đó, theo Forbes, các công cụ như ChatGPT sẽ tạo ra cơ hội to lớn cho doanh nghiệp nếu tận dụng một cách đúng đắn. Chatbot AI có thể tăng năng suất của con người khi thực hiện tác vụ lặp đi lặp lại. Khảo sát của hãng nghiên cứu Opus Research cho thấy 35% người dùng muốn nhiều công ty sử dụng chatbot hơn. Gần 50% không quan tâm đến việc AI hay con người đang trò chuyện với họ, miễn là vẫn nhận được giá trị.