Sinh viên dạy thêm kiếm chục triệu/tháng?
Nguyễn Hà Anh là sinh viên trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2021, thay vì phải cặm cụi ôn thi giống bạn bè đồng trang lứa, Hà Anh lại thảnh thơi hơn nhiều. Lý do là vì đã sở hữu chứng chỉ IELTS 8.0 và một số giải thưởng khác như: Học sinh giỏi môn tiếng Anh cấp tỉnh, Giải Khoa học Kỹ thuật cấp tỉnh..., nhờ thế mà Hà Anh dễ dàng trúng tuyển vào NEU bằng hình thức xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ ngoại ngữ và kết quả học tập bậc THPT.
Với chuyên ngành đang theo học là Tài chính Quốc tế. Hà Anh định hướng bản thân làm việc tại mảng thương mại ở các ngân hàng hoặc các công ty logistic. Có kế hoạch đi làm thêm từ năm nhất, nhưng vì chưa có nhiều kiến thức chuyên ngành nên không thể làm các công việc ở ngân hàng, logistic như dự định ban đầu được. Do đó, Hà Anh đã quyết định làm thêm công việc mà bản thân có năng lực nhất và dạy IELTS là lựa chọn của cô bạn.
Thay vì tìm việc làm thêm một cách vu vơ, nữ sinh này chủ động "truy lùng" cơ hội bằng cách tham gia vào các hội nhóm dạy IELTS trên Facebook. Không cần phải tìm quá lâu, Hà Anh đã thấy hằng hà sa số thông tin tuyển dụng giáo viên dạy IELTS với đủ loại hình thức như: Dạy online, offline, dạy kèm 1-1...
Sau tất cả, cô bạn ứng tuyển vị trí trợ giảng IELTS tại một trung tâm dạy tiếng Anh tại Hà Nội. Theo yêu cầu của công việc, nhiệm vụ của trợ giảng là ôn tập và mở rộng lại kiến thức cho học viên bằng hình thức trực tuyến qua Zoom 1 tiếng/tuần. Mỗi trợ giảng sẽ quản lý khoảng 5 học sinh. Trải qua vòng đơn, cô bạn đến với vòng phỏng vấn trực tiếp với đại diện trung tâm và họ có một bài test kiểm tra trình độ đầu vào của trợ giảng. Và rất nhanh chóng, Hà Anh được nhận vào làm với offer lương 100 nghìn đồng/giờ.
Nói qua về mức lương mà Hà Anh nhận được, rõ ràng đây là con số cao hơn rất nhiều so với số tiền mà sinh viên bình thường làm thêm theo giờ đạt được. Còn so với mức lương tối thiểu vùng năm 2023 theo quy định của nhà nước, lương tối thiểu tại Hà Nội theo giờ là 22.500 đồng (đối với vùng I) và 20.000 đồng (đối với vùng II) - mức lương Hà Anh gần như cao gấp 5 lần.
Với 5 bạn học viên mà Hà Anh hỗ trợ, một tháng cô bạn có thể kiếm "sương sương" 2 triệu đồng dù chỉ mất rất ít thời gian. Thấy bản thân có thể làm thêm một công việc nữa, nên nữ sinh tiếp tục ứng tuyển vào vị trí viết content tiếng Anh cho các video trên Youtube với thu nhập gần 10 triệu đồng/tháng. Tính tổng lại, một tháng Hà Anh có thể có thể kiếm được dao động từ 10 - 12 triệu đồng.
Ảnh minh họa
Tương tự, Lê Tâm Nhi - sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh tại một trường đại học tại Hà Nội - cũng đã có thể kiếm được thu nhập từ việc dạy thêm. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020, cô bạn đã đạt được 9,6 điểm môn tiếng Anh và tận dụng lợi thế đó, Tâm Nhi quyết định đi làm gia sư dạy tiếng Anh ôn thi tốt nghiệp THPT cho các bạn học sinh.
Trái ngược với Hà Anh, Tâm Nhi không cần phải tự mình đi tìm việc mà cô bạn được người quen giới thiệu. Hiện tại, Nhi đang dạy 2 học sinh với 2 mục tiêu điểm số khác nhau: Một lớp ôn thi "chinh phục" 9 điểm cho học sinh thi khối D (Toán, Văn, Anh); Một lớp chống liệt cho học sinh không thi tổ hợp có tiếng Anh.
"Mỗi đối tượng học sinh mình sẽ có những phương pháp dạy học khác nhau. Với các bạn học sinh có mục tiêu 9+, mình sẽ tập trung vào các câu hỏi khó xuất hiện trong bài như: Collocation (cụm từ cố định); Idiom (Thành ngữ); Phần đọc hiểu... và mỗi tuần sẽ phải liên tục ôn tập lại các bạn có thể ghi nhớ sâu kiến thức. Còn với các bạn chỉ muốn qua điểm liệt thôi thì mình sẽ tập trung vào những chủ điểm dễ nhất, chắc chắn xuất hiện trong bài như: Phát âm đuôi s/es hay ed; chia thì động từ...", cô bạn nói.
Vì không qua trung gian bất kỳ trung tâm nào nên mọi tài liệu, kiến thức cô bạn phải tự chuẩn bị. Được biết, Tâm Nhi sử dụng những tài liệu mà cô bạn đã ôn luyện đợt thi đại học để hướng dẫn cho học viên, thêm vào đó là theo dõi các thầy cô có tiếng trên mạng xã hội để xem cách họ ôn luyện, định hướng học tập cho học sinh.
Với sự chuẩn bị từ A-Z như vậy, nên số tiền cô bạn nhận được rơi vào khoảng 300 nghìn đồng/buổi. Một tuần Tâm Nhi dạy 6 buổi chia đều cho 2 học sinh. Tính tổng tất cả lại, một tháng Nhi có thể thu nhập khoảng 7-8 triệu đồng. Với số tiền đó, cô bạn sẽ dành ra một khoản học IELTS để nâng cao thêm kiến thức. Còn lại, Nhi sẽ tiết kiệm một khoản cho bản thân.
"Nhiều lúc mệt quá, mình chỉ muốn nghỉ làm thêm"
Dù đi làm thêm đem lại rất nhiều lợi ích cho các bạn trẻ như: Nâng cao thu nhập, phát triển kỹ năng, mở rộng mối quan hệ xã hội... nhưng ở một khía cạnh nào đó, nó vẫn gây ra đôi chút khó khăn cho mọi người, đặc biệt là vấn đề cân bằng thời gian.
Vì vẫn vướng lịch học trên trường vào buổi sáng nên Hà Anh không thể phân bộ toàn thời gian cho việc đi làm thêm được. Việc đi dạy học hay viết content cô bạn thường phân bổ vào buổi chiều và buổi tối. Lịch trình dạy đặc khiến Hà Anh nhiều lúc vừa từ chỗ làm thêm viết content về xong đã phải "tốc biến" về nhà để chuẩn bị dạy học online.
Giờ giấc làm việc cực "khắc nghiệt" như vậy khiến cuộc sống hàng ngày của Hà Anh có đôi chút đảo lộn, nhiều lúc chỉ ăn uống qua loa cho xong bữa, hoặc thậm chí còn nhịn ăn. Cả ngày cắm mặt vào máy tính khiến tinh thần của cô bạn bị trùng xuống rất nhiều. Nhưng đó vẫn chưa phải là tất cả bởi những lúc phải ôn thi mới khiến Hà Anh "ám ảnh".
"Những lúc như thế mình chẳng tập trung làm được bất cứ điều gì cả. Bởi mình quan niệm làm gì thì làm chứ việc học vẫn là quan trọng nhất. Nhưng không thể cứ tập trung học mà bỏ bê công việc hay làm qua loa cho xong. Lúc đó mình cảm thấy stress lắm, chỉ muốn nghỉ quách đi cho rồi những dần dần, may sao cũng quen được với áp lực đó", cô bạn chia sẻ.
Hay đối với Tâm Nhi, việc thiếu đi kỹ năng nghiệp vụ sư phạm cũng là một trong những khó khăn lớn trong quá trình đi dạy của cô bạn. Nhi chia sẻ, dù có kiến thức tốt đến mấy những không có khả năng sư phạm, không truyền tải được kiến thức đến với học sinh... thì cũng bằng không. Do đó, nỗi sợ lớn nhất của Nhi là học sinh của mình không thể tiếp thu được bài giảng, từ đó dẫn đến uy tín của bản thân bị giảm đi trong mắt mọi người.
Ảnh minh họa
Ở một diễn biến khác, có rất nhiều bạn trẻ lại cảm thấy vô cùng lạc quan, đơn cử như anh chàng Bùi Nam Khánh (sinh viên chuyên ngành Digital Marketing, Đại học RMIT). Đúng với tinh thần multitask (làm việc đa nhiệm) mà các bạn trẻ hay hướng tới, anh chàng hiện tại đang làm một lúc nhiều công việc khác nhau như: TikToker, VJ của Schannel, đi dịch thuật... Bên cạnh đó, nhờ sở hữu nền tảng tiếng Anh tốt cùng thành tích 8.0 IELTS, Khánh còn mở một lớp luyện thi chứng chỉ IELTS.
Không thể phủ nhận được rằng việc đi làm thêm đem lại cho Nam Khánh rất nhiều cơ hội. Anh chàng đã có thể tự do được một phần tài chính, có thể chi trả được cho chi phí sinh hoạt hàng ngày hay mua tất cả những món đồ mà bản thân yêu thích... Song để đổi lại, nhiều lúc Nam Khánh cảm thấy chơi vơi trong việc cân bằng thời gian giữa học tập và đi làm. Thậm chí, cha mẹ Nam Khánh từng lo rằng anh chàng sẽ học tập sa sút nếu đi làm thêm quá nhiều.
Việc dạy IELTS giúp Khánh lan tỏa được giá trị tri thức đến các bạn trẻ
Bất chấp nỗi lo của nhiều người, anh chàng vẫn cố gắng để cân bằng mọi thứ một cách tốt nhất bởi theo lý giải của Nam Khánh, Gen Z bây giờ luôn cố gắng không ngừng nghỉ để "work-life balance" (cân bằng giữa cuộc sống và công việc). Họ luôn cố gắng để thử thách bản thân ở nhiều khía cạnh khác nhau. Nghĩ một cách tích cực hơn, việc dạy IELTS giúp Khánh lan tỏa được giá trị tri thức đến với mọi người nên vì thế mà nam sinh cứ cố gắng hơn từng ngày.