Nói nhiều
"Mẹ tôi nói quá nhiều, làm thế nào để bà bớt càm ràm?" là phàn nàn của nhiều trẻ khi bị bố mẹ ca cẩm việc học hành. Nhưng "nói nhiều" với Thái Mỹ Nhi không phải là sự thúc giục, trách móc, mà bà chỉ nói nhiều ba từ: "Mẹ yêu con".
Khi con gái lớn của bà học cấp hai, một ngày cô bé mang về chiếc đồng hồ đeo tay bằng gỗ tặng mẹ. Đó là thành quả của việc học nghề mộc ở trường. Người mẹ đang nấu cơm nên đặt món quà lên bàn rồi tiếp tục nấu nướng. Thấy thái độ của mẹ, con gái khóc nức nở, trách rằng, cô đã rất vất vả làm đồ tặng mẹ nhưng bà lại không thích, ngay cả một tiếng cảm ơn cũng không nói.
Lúc đó, Thái Mỹ Nhi biết mình đã sai. Bà thanh minh: "Chiếc đồng hồ rất đẹp nhưng tôi ít khi khen ngợi con bởi sợ chúng kiêu ngạo". Từ hôm đó, cho dù thúc giục con làm bài tập về nhà, người mẹ cũng kết thúc bằng câu: "Mẹ yêu con".
"Con trai làm bài tập xong rồi mới chơi nhé. Mẹ yêu con" hoặc "Lần sau con không được làm thế này nhé. Mẹ yêu con"...
Ba chữ này như một loại thần dược, giúp người mẹ truyền năng lượng tích cực tới các con. Sau này khi bạn bè hỏi ba người con của Thái Mỹ Nhi tại sao có quan hệ tốt như vậy với mẹ, cả ba cùng trả lời: "Bởi vì mẹ yêu chúng tôi và sẵn sàng làm bất cứ điều gì, miễn là tốt cho chúng tôi".
Theo bà Thái, khi cha mẹ bày tỏ yêu thương con bằng lời, trẻ được truyền thông điệp rằng mối quan hệ giữa chúng và cha mẹ rất tích cực. Chúng có thể cảm nhận trọn vẹn sự yêu thương, chăm sóc của gia đình dành cho mình. Tình yêu thương được thể hiện bằng lời làm cho tâm lý của trẻ vững hơn, trẻ thấy an toàn và tự tin trong mọi việc mình làm. Sức mạnh của lời nói yêu con không chỉ mang tính thời điểm, mà còn hun đúc sự tự tin mạnh mẽ, giúp trẻ cả chặng đường đời sau này.
Cấm kỵ
Với Thái Mỹ Nhi, điều cấm kỵ duy nhất trong nuôi dạy con cái, đó là không bao giờ nói: "Con không thể".
Người mẹ kể, nhiều bạn bè của bà thường mắng nhiếc con cái kiểu như: "Học không tốt sau này chẳng vào nổi đại học"; "Đầu óc thế này chẳng làm nổi trò trống gì". Bà Thái không bao giờ nói những câu tương tự.
"Những lời này giống như một lời nguyền, hằn sau trong trái tim trẻ rằng: Tôi không thể; Tôi không thể đỗ được đại học; Tôi chẳng có tương lai... Bố mẹ càng nhấn mạnh 'Không', trẻ càng thiếu tự tin, không có động lực học tập và nhanh chóng từ bỏ mục tiêu", bà Thái nói.
Người phụ nữ này cũng có một người bạn rất xuất sắc, tốt nghiệp tiến sĩ và có sự nghiệp thành công. Người bạn cho rằng, thành công của cô ấy xuất phát từ kỷ luật tự giác và hy vọng con trai sẽ giống mình. Vì vậy người bạn đã lên một lịch trình chi tiết cho con trai. Mỗi ngày từ khi thức dậy cho đến lúc đi ngủ, nhiệm vụ được mẹ vạch ra sẵn cho con, rõ ràng và chính xác đến từng phút.
Tuy nhiên, người bạn sau đó phàn nàn với bà Thái về thái độ chống đối của cậu con trai. Bà Thái hỏi ngược lại: "Bạn không thấy đây là cách nuôi dạy để trở thành robot sao?". Thái Mỹ Nhi chia sẻ, dù là lập kế hoạch cho trẻ, bà đều hỏi ý kiến trước để chúng hiểu bản thân được tự chủ, bố mẹ chỉ định hướng.
"Đàn áp và kiểm soát là hành động không khôn ngoan. Điều kiện tiên quyết để trẻ dũng cảm theo đuổi ước mơ chính là sự tin tưởng và khẳng định của cha mẹ", bà nói.
Người phụ nữ này cũng cho rằng cách giáo dục hữu ích nhất cho trẻ là để chúng thấy rằng bố mẹ đang nỗ lực để trở thành một phiên bản tốt hơn của chính mình. Đó là cách tốt nhất để giáo dục con cái.
Trải nghiệm
Thái Mỹ Nhi cho rằng người mẹ phải có vai trò như một huấn luyện viên "khám phá tiềm năng và truyền cảm hứng để trẻ làm tốt hơn mọi việc chúng thích". Kinh nghiệm mà bà nhấn mạnh có ba nội dung: Cho phép trẻ trải nghiệm sự bình đẳng, trải nghiệm sự hỗ trợ của cha mẹ và khai phá tiềm năng bản thân.
Kết quả là với sự hỗ trợ của mẹ, con gái lớn đã nhận bằng sáng chế đầu tiên ở trường trung học, con gái thứ hai được phép chơi trượt băng khi thành tích học tập giảm sút và con trai út đã viết cuốn sách đầu tiên khi mới 9 tuổi.
Không chỉ là sự khuyến khích bằng lời nói, người mẹ này luôn thực thi bằng hành động.
Nghe con gái lớn trò chuyện về một nghiên cứu khoa học trên bàn ăn, Thái Mỹ Nhi đã dành 20 ngày để tìm hiểu tài liệu, tham khảo ý kiến luật sư rồi khuyến khích con nộp đơn xin cấp bằng sáng chế. Sau khi biết con gái thứ hai hâm mộ một nghệ sĩ trượt băng của Trung Quốc, bà Thái đồng ý cho con thử nghiệm và hàng ngày còn lái xe đưa đến lớp, nửa đêm mới về tới nhà. Để con gái không bị đói trước khi học trượt băng, bà thường thức dậy lúc 4h để nấu ăn. Khi nhận ra con trai thứ ba có năng khiếu viết lách, người mẹ kiên trì đi làm từ lúc 5h để được tan sở lúc 15h chiều, cùng con đi trải nghiệm, lấy cảm hứng viết lách.
Quá trình trải nghiệm này đối với trẻ nhỏ, không chỉ được khám phá, mà còn mở rộng tầm nhìn. "Trẻ sẽ có nhiều kiến thức hơn, tầm nhìn rộng mở hơn, có thể làm rất nhiều việc người khác không thể làm. Trẻ cũng tin, mình có thể làm mọi thứ nếu như dám dấn thân để thử nghiệm", bà Thái nói.
Ba đứa con sau này đều dựa vào bản lĩnh cá nhân để vào Harvard, Thái Mỹ Nhi từ đó cũng được đặt biệt danh "Người mẹ Harvard".
(Theo sohu)