Thời sự

Bị lợi dụng để đánh bạc online, ví điện tử MoMo nói gì?

Mới đây, Công an tỉnh Bắc Giang đã hoàn tất điều tra và đề nghị truy tố một số bị can trong đường dây cờ bạc sử dụng mã giao dịch của MoMo với số tiền trong các giao dịch gần 3.000 tỉ đồng. Một thủ đoạn được các đối tượng sử dụng là các đối tượng tội phạm dựa vào mã giao dịch chuyển tiền của ví điện tử để đánh bạc...

Liên quan đến vụ việc bị lợi dụng để đánh bạc online, ngày 9-11, trao đổi với Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Bá Diệp, đồng sáng lập ví MoMo, cho biết đây là vụ việc đã được Công an Bắc Giang triệt phá từ tháng 12-2022.

Để góp phần ngăn chặn vấn nạn cờ bạc online, MoMo đã đầu tư nghiên cứu nhiều giải pháp công nghệ, cùng với hơn 100 chuyên gia và kỹ sư, với chi phí rất lớn lên đến hàng chục tỉ đồng trong hơn 1 năm từ tháng 12-2021 đến tháng 2-2023.

"Đây là một vấn đề rất thách thức vì các đối tượng tội phạm dựa vào mã giao dịch chuyển tiền của ví điện tử để đánh bạc, nếu hủy bỏ thì không thể phân biệt các loại giao dịch, không thể thực hiện tra soát giao dịch trên toàn bộ hệ thống" - ông Nguyễn Bá Diệp nói.

Bị lợi dụng để đánh bạc online, ví điện tử MoMo nói gì? - Ảnh 1.

Theo MoMo, xuất hiện tình trạng người dân cho đối tượng vi phạm thuê, mượn danh tính, giấy tờ để mở tài khoản ngân hàng, ví điện tử… gây khó khăn cho công tác kiểm tra, xác thực khách hàng.

Từ tháng 2-2023, MoMo đã thay đổi quy trình nghiệp vụ, nâng cấp ứng dụng để hiển thị mã giao dịch cho người gửi trước khi họ thực hiện giao dịch, thay vì hiển thị sau như trước đây. Đồng thời, ví đã mua bản quyền và tích hợp công nghệ v-key vào hệ thống để ngăn chặn các đối tượng cờ bạc sử dụng thiết bị giả lập để truy cập vào ứng dụng và quét mã giao dịch tự động nhằm mục đích cá cược.

Trước đó, từ năm 2021, MoMo đã thực hiện rà soát và thực hiện định danh, xác thực tài khoản ví điện tử theo quy định pháp luật. Khách hàng phải cung cấp thông tin định danh và liên kết ví điện tử với tài khoản ngân hàng chính chủ. Đồng thời chỉ được sử dụng ví điện tử khi MoMo được ngân hàng xác nhận thông tin đăng ký ví trùng với thông tin khách hàng đăng ký tại ngân hàng...

Tuy nhiên, các đối tượng xấu vẫn có nhiều biện pháp lợi dụng ví điện tử để thực hiện hành vi trái quy định pháp luật như sử dụng danh tính, giấy tờ và tài khoản ngân hàng thuê, mượn của người dân tạo lập nhiều tài khoản ví điện tử, gây khó khăn cho việc xác minh vi phạm.

"Chúng tôi đã kiến nghị với các cơ quan quản lý cho phép các doanh nghiệp trung gian thanh toán, ví điện tử kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an quản lý để giúp cho việc định danh điện tử, xác thực thông tin người dùng nhanh chóng và chính xác, góp phần rà soát và ngăn chặn được các tài khoản và giao dịch đáng ngờ, tăng tính hiệu quả trong việc phòng, chống tội phạm công nghệ" - ông Nguyễn Bá Diệp nói.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm